Hội nghị có sự tham gia, trình bầy của 33 diễn giả là các chuyên của ITU, của các công ty vệ tinh hàng đầu khu vực và thế giới, của các nhà lãnh đạo cấp cao của cơ quan quản lý các nước.
Hội nghị không chỉ có mục đích là xây dựng, nâng cao năng lực hiểu biết về luật pháp quốc tế, hiểu biết về các quy định, thủ tục liên quan đến việc phóng vệ tinh, hoạt động và dịch vụ thông tin vệ tinh, mà còn tập trung thảo luận về các thách thức đối với ngành công nghiệp vệ tinh đặc biệt là những tác nhân hạn chế sự phát triển của thị trường thông tin vệ tinh, tính cạnh tranh trong lĩnh vực thông tin vệ tinh.
Kết quả của Hội nghị sẽ tạo ra cơ hội cho việc tìm hiểu nguyên nhân và tìm kiếm biện pháp giải quyết các vấn đề đó, có kế hoạch hành động trong tương lai nhằm tăng cường và củng cố ngành công nghiệp thông tin vệ tinh ở tất cả các cấp từ chính sách đến trình độ quản lý thị trường, cạnh tranh, và hoạt động kinh doanh.
Các chủ đề chính được hội nghị thảo luận gồm:
- Luật quốc tế về không gian, phân bổ quỹ đạo, khuôn khổ pháp lý về thông tin vệ tinh;
- Thể lệ vô tuyến điện quốc tế, đăng ký hồ sơ mạng vệ tinh;
- Phối hợp tần số quốc tế và hài hòa hóa phổ tần khu vực;
- Thực tiễn quốc gia trong lĩnh vực thông tin vệ tinh và các quy định dịch vụ vệ tinh;
- Thị trường và xu hướng công nghệ vệ tinh.
Ban Tổ chức hội nghị mời Cục trưởng Cục tần số Việt Nam tham dự và phát biểu tại hội nghị, thể hiện sự đánh giá cao cơ quan quản lý tần số của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Bài phát biểu của Cục trưởng Đoàn Quan Hoan đã nêu rõ các sở cứ về nhu cầu dung lượng và băng tần vệ tinh, với điểm nổi bật là đáp ứng với độ phân giải ngày càng cao của truyền hình; về yêu cầu ưu tiên sử dụng băng tần C và C mở rộng cho vệ tinh vì những đặc điểm không thể thay thế của nó đối với các nước như Việt nam:
Dù các công nghệ về mã hóa, ghép kênh rất phát triển trong những năm gần đây, tuy nhiên nhu cầu về băng thông lại không ngừng tăng lên, ví dụ điển hình là trong truyền hình: với 12 kênh SD trước kia với công nghệ MPEG2 thì cần 36MHz băng thông, chiếm chọn một bộ phát đáp vệ tinh, tuy công nghệ tiên tiến hơn được áp dụng là MPEG4 nhưng với nhu cầu xem truyền hình HD thì 12 kênh HD lại cần tới 56MHz băng thông, còn nếu áp dụng công nghệ mới nhất HEVC thì với nhu cầu xem truyền hình siêu nét UHD (tivi 4K) thì 12 kênh 4K cần tới 108MHz. Như vậy mặc dù công nghệ mã hóa, ghép kênh đã có sự phát triển vượt bậc (công nghệ HEVC tiết kiệm được 75% băng thông so với MPEG2) nhưng nhu cầu băng thông để đáp ứng nhu cầu giải trí truyền hình siêu nét đã tăng tới 3 lần. Do đó băng thông cho vệ tinh sẽ càng thiếu hụt.
Hơn nữa, việc tăng dung lượng đối với các hệ thống dưới mặt đất là rất dễ dàng, chẳng hạn việc tăng mật độ trạm BTS sẽ tăng dung lượng của hệ thống thống tin di động lên nhiều, nhanh chóng và đơn giản nhưng với vệ tinh điều đó là không thể.
Với đặc điểm nổi bật là vùng phủ rộng, vệ tinh hoạt động ở băng tần C/băng tần C mở rộng có khả năng phủ sóng thậm chí cả một lục địa với chỉ một búp sóng, điều này cho phép thông tin liên lục địa được thực hiện dễ dàng, các nhà truyền hình quảng bá có thể cung cấp dịch vụ tới rất, rất nhiều người ở một phạm vị rộng lớn; với việc suy hao do mưa không đáng kể thì thông tin vệ tinh ở băng tần C/băng tần C mở rộng thực sự hữu ích và tối quan trọng đối với các nước ở khu vực xích đạo, khu vực có mưa nhiều; với chi phí rẻ, khả năng triển khai nhanh chóng thông tin vệ tinh ở băng tần C/băng tần C mở rộng thực sự hữu ích và tỏ ra vượt trội so với các dịch vụ viễn thông khác cũng như dịch vụ vệ tinh ở băng tần cao hơn ở các khu vực xẩy ra thảm họa diện rộng như sóng thần, động đất, bão lũ, … Đây là những đặc điểm quan trọng cho thấy băng tần C/băng tần C mở rộng là không thể thay thế - Cục trưởng Đoàn Quan Hoan phát biểu.
Bài trình bầy của Cục trưởng Đoàn Quan Hoan tại hội nghị (Xem chi tiết tại đây)