Kết luận tại phiên họp lần thứ 7 Ban chỉ đạo số hóa truyền hình hôm 21/1/2015, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, về thời điểm ngắt sóng truyền hình analog tại 5 thành phố lớn trong năm 2015, sẽ chỉ ngắt sóng truyền hình analog khi 95% người dân đã sử dụng được truyền hình số, nếu địa phương nào chưa đạt được chỉ tiêu này sẽ chưa ngắt sóng.
Theo kế hoạch, đến 1/7/2015 sẽ ngắt sóng truyền hình analog ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, đến 1/1/2016 ngắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng.
Trước đây, 3 thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ đã có văn bản gửi Bộ TT&TT xin lùi thời hạn ngắt sóng truyền hình analog vì lo ngại vấn đề tràn sóng analog từ các tỉnh lân cận vào những thành phố này. VTV cũng đã báo cáo Bộ TT&TT về khả năng tràn sóng chắc chắn xảy ra nhưng việc chặn tràn sóng là không thể. Việc tràn sóng ở những tỉnh lân cận vào các thành phố này sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu quảng cáo của các đài truyền hình.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, doanh thu quảng cáo chủ yếu chỉ trên các đài quảng bá là chính. Cách đây mới 2 năm, chỉ số quảng cáo trên các kênh truyền hình số của VTC bằng 0. Do đó, việc tắt sóng truyền hình analog sớm là phần bất lợi về quảng cáo cho 5 địa phương trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, tổn thất này sẽ rất nhỏ so với quyết tâm chính trị được đặt ra khi Bộ TT&TT quyết tâm triển khai thành công đề án số hóa truyền hình theo đúng lộ trình.
Nhưng tại cuộc họp sáng 21/1/2015, đại diện Sở TT&TT Cần Thơ cho biết, Cần Thơ có kế hoạch sẽ phát sóng số vào tháng 10/2015 và ngắt sóng theo đúng kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cũng cho biết, Đà Nẵng không quan tâm đến việc tràn sóng, kể cả có tràn sóng analog vào các tỉnh mà người dân thu xem cũng không ảnh hưởng gì lớn.
Hiện tại chỉ còn Hà Nội vẫn tiếp tục đề nghị được lùi thời điểm tắt sóng truyền hình analog tại các quận huyện thuộc Hà Nội (cũ) cùng thời điểm với Hà Tây (cũ), tức là sẽ tắt sóng truyền hình analog trên toàn bộ TP.Hà Nội vào 31/12/2016.
Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, sở dĩ Hà Nội muốn lùi thời hạn ngắt sóng truyền hình analog ở Hà Nội (cũ) là do Hà Nội muốn có sự bình đẳng giữa Hà Nội và Hà Tây (cũ). Hiện Hà Nội có hơn 1,2 triệu dân sống ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nên việc chuyển đổi sớm cho những khu vực thuộc Hà Tây (cũ) không đơn giản. Thêm vào đó các kênh của Đài PT-TH Hà Nội đang phủ sóng tại nhiều tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, do đó khi ngắt sóng sớm có khoảng 20 triệu dân tại các tỉnh này không xem được kênh của Truyền hình Hà Nội.
Trước đề nghị của Hà Nội, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, quyết định phê duyệt đề án của Thủ tướng có nêu rõ, nếu chưa đủ 95% số hộ dân trên địa bàn trang bị được thiết bị thu xem DVB-T2 thì địa phương đó sẽ vẫn duy trì phát sóng analog. Do đó, nếu sát đến thời hạn tắt sóng mà Hà Nội chưa sẵn sàng hoặc chưa đạt đủ số hộ như mục tiêu thì mới xem xét cho lùi thời hạn tắt sóng. Giờ còn 1 năm để triển khai mà đã xin hoãn thì không hợp lý.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo, các địa phương trong nhóm 1 cần thực hiện đúng lộ trình đã vạch ra bởi 2015 là năm đầu tiên triển khai đề án, kết quả đạt được sẽ rất quan trọng để làm tiền đề cho những năm tiếp theo. Trong quá trình xây dựng lộ trình, việc một số địa phương có những băn khoăn nhất định là không tránh khỏi. Tuy nhiên, khi lộ trình đã đưa ra thì Hà Nội nên cố gắng triển khai, nhất là khi Hà Nội đang hội đủ nhiều điều kiện thuận lợi như kinh phí có đủ, tuyên truyền làm tốt, số hộ nghèo ít, lại được doanh nghiệp AVG hỗ trợ đầu thu. Do đó, Hà Nội cần cố gắng để kéo các khu vực ở Hà Tây (cũ) ngắt sóng sớm hơn dự kiến vào cùng thời điểm với Hà Nội (cũ) thay vì kiến nghị lùi thời hạn.
Hiện tại, các thành viên của Ban chỉ đạo Đề án số hóa đang đưa ra đề nghị sẽ ngắt sóng truyền hình analog ở 5 thành phố theo phương án 2. Tức là sóng số phủ đến đâu sẽ ngắt sóng truyền hình analog ở đó, thay vì ngắt sóng theo địa giới hành chính theo phương án ban đầu.
Ông Trần Dũng Trình, Phó Tổng giám đốc VTV phân tích, ngắt sóng số theo phương án 2 là tối ưu nhất. Bởi nếu theo phương án 1, VTV sẽ phải đầu tư thêm 200 tỷ đồng để xây dựng các trạm phát lại để bù sóng analog cho các vùng lân cận 5 thành phố. Sau đó 1 năm hệ thống trạm lặp cũng không dùng đến nữa sẽ rất lãng phí. “VTV cũng không có tiền và khả năng để đầu tư các trạm phát lại”, ông Trình cho biết.
Để tắt sóng theo phương án 2, nhà nước sẽ chi khoảng 268 tỷ đồng để mua gần 450.000 đầu thu truyền hình số để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách tại 5 thành phố.