Hội nghị Diễn đàn Chính sách tần số ASEAN lần thứ năm (ASPF-5) “Quy hoạch lại các băng tần 2G cho các hệ thống băng rộng”
27/03/2015
(rfd.gov.vn)-
Sáng ngày 18/3/2015, hội thảo lần thứ 5 của Diễn đàn quản lý tần số ASEAN (ASPF-5) đã được tổ chức tại thủ đô Viên chăn, Lào. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Liên minh châu Âu và khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) về lĩnh vực quản lý tần số. Chủ đề hội thảo lần này là “Quy hoạch lại các băng tần 2G cho các hệ thống băng rộng”. Hội thảo đã quy tụ được hơn 70 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, các nhà khai thác và các nhà cung cấp thiết bị của châu Âu, châu Á và ASEAN. Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn, cùng với đại diện của Ủy ban châu Âu phụ trách về quản lý tần số, ông Ruprecht Niepold, cố vấn về quản lý tần số tại ủy ban châu Âu, đại diện cho khối EU đã tham dự hội thảo với tư cách đồng chủ tọa của diễn đàn.
Tại cuộc họp lần này, Hội thảo đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến quy hoạch lại các băng tần 2G (băng tần 800, 900 và 1800 MHz) cho các công nghệ mới như 3G và 4G; các thách thức và chia sẻ các kinh nghiệm thực tế với các nhà quản lý và các doanh nghiệp trong việc triển khai quy hoạch lại.
Tại hội nghị ASPF-3, 13 bài tham luận của các diễn giả là các chuyên gia của nhiều nước ASEAN và Liên minh Châu Âu đã được trình bày. Việt Nam đã tham dự 02 bài trình bày gồm “Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu về quy hoạch lại các băng tần 2G trong khuôn khổ nhóm nghiên cứu ITU-R. 5D và APT ” và “Kinh nghiệm thử nghiệm chuyển đổi mạng 2G: cách thức triển khai và kinh nghiệm xử lý can nhiễu”.
Kết quả, hội thảo đã đưa ra được một số khuyến nghị cho các nước ASEAN trong việc hướng tới sử dụng lại các băng tần 2G cho các hệ thống băng rộng như: tiếp cận việc quy hoạch băng tần theo hướng trung lập về công nghệ và dịch vụ, khuyến khích các nước ASEAN phối hợp với nhau xác định mốc thời gian cụ thể cho phép các băng tần 2G có thể sử dụng cho các dịch vụ băng rộng trong toàn khu vực, nghiên cứu và xây dựng các chính sách phù hợp hỗ trợ việc sử dụng lại các băng tần này cho các hệ thống băng rộng đạt được nhiều lợi ích nhất.
Các đại biểu cũng nhất trí việc yêu cầu Ban thư ký ASEAN và EU tiếp tục hỗ trợ các hoạt động của Diễn đàn quản lý tần số ASEAN trong các năm tiếp theo nhằm hướng tới sự hài hòa trong quản lý và sử dụng phổ tần trong ASEAN.
Lưu Thị Việt Nga - Phòng Hợp tác và Phối hợp tần số quốc tế