Dự Đại hội có đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ; các đồng chí Thứ trưởng Bộ TT&TT; Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; các đồng chí cán bộ lão thành; đại diện các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ; các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2011-2015.
Đại hội thi đua yêu nước của Bộ TT&TT có nhiệm vụ tổng kết đánh giá những kết quả đã đạt được, những ưu khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua và làm tốt công tác khen thưởng trong thời gian tới. Đồng thời Đại hội cũng là dịp để biểu dương tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc đại diện cho toàn ngành TT&TT nhằm tiếp tục phát huy và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới; làm cho thi đua yêu nước luôn là động lực to lớn thúc đẩy mỗi người, mỗi đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển của Ngành và đất nước
Các phong trào thi đua yêu nước góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, vững chắc của ngành TT&TT
Trong Diễn văn khai mạc Đại hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta gắn liền với sự hình thành và phát triển phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và lãnh đạo. Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, kháng chiến bảo vệ Tổ quốc cũng như trong hoà bình xây dựng đất nước, thi đua khen thưởng luôn có vai trò to lớn, góp phần phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tạo động lực thúc đẩy, động viên, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tích to lớn.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất ”; kế thừa truyền thống thi đua yêu nước của ngành TT&TT, trong những năm qua Bộ TT&TT luôn quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng, đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng trong toàn Ngành. Đồng thời, Bộ cũng tích cực tổ chức triển khai, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, làm cho công tác thi đua khen thưởng thực sự là động lực và là biện pháp cổ vũ động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, góp phần đưa ngành TT&TT liên tục phát triển mạnh mẽ, bền vững, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2015 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các phong trào thi đua yêu nước của Bộ TT&TT đã được tổ chức và triển khai sâu rộng, liên tục ở tất cả các đơn vị và trên mọi lĩnh vực công tác. Các phong trào thi đua yêu nước đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, vững chắc và những thành tựu to lớn của ngành TT&TT trong 5 năm qua. Nổi bật là:
Về báo chí, đến nay cả nước có 850 cơ quan báo, tạp chí in; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương với 181 kênh phát thanh, truyền hình quảng bá, 40 kênh truyền hình nước ngoài. Hiện cả nước có 100 cơ quan báo điện tử đã được cấp phép và 214 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình; 423 mạng xã hội, 1.516 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp xác nhận và cấp phép hoạt động. Hiện nay có trên 23.000 phóng viên, nhà báo đang hoạt động trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc và ở nước ngoài.
Các cơ quan báo chí đã góp phần thông tin, tuyên truyền tốt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; các sự kiện chính trị lớn của đất nước; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của Việt Nam; Đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội; đồng thời phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường phát hiện, tôn vinh và tuyên truyền về những điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; uốn nắn những cách nhìn lệch lạc, đồng thời phản ảnh những ý kiến xây dựng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; quảng bá hình ảnh tươi đẹp, thân thiện của đất nước và con người Việt Nam với các nước trên thế giới… Qua đó, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; nâng cao nhận thức, tăng cường thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân; góp phần định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.
Các đơn vị trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành tiếp tục duy trì được chất lượng sản phẩm và phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị. Hiện nay cả nước có 63 nhà xuất bản, khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp, hơn 13.700 cơ sở phát hành xuất bản phẩm. Năm 2014 đã xuất bản được hơn 25.000 cuốn sách với trên 361 triệu bản; xuất bản 859 loại văn hóa phẩm với gần 28 triệu bản, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng mạng lưới bưu chính đã từng bước được củng cố và mở rộng phục vụ đến tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tiếp tục hoạt động ổn định, chất lượng được đảm bảo; đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân. Mạng bưu chính công cộng hiện nay có 12.738 điểm phục vụ, trong đó có 8.184 điểm Bưu điện - Văn hoá xã. Bán kính phục vụ bình quân đạt 2,93 km/điểm, đảm bảo mỗi xã có tối thiểu một điểm phục vụ; 91,7% số xã trong cả nước có báo Nhân Dân đến trong ngày.
CNTT đang có sự phát triển rất nhanh chóng và được ứng dụng rộng rãi, trở thành một phần không thể thiếu trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước. Công nghiệp CNTT tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, đã và đang tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng GDP cũng như xuất khẩu của cả nước. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT tiếp tục đạt mức cao, năm 2014 đạt hơn 27 tỷ USD.
Hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet của Việt Nam tiếp tục hoạt động ổn định, thị trường dịch vụ viễn thông và internet tiếp tục phát triển lành mạnh. Số lượng người sử dụng internet ngày càng tăng với hơn 44 triệu người sử dụng hiện nay, tương đương với khoảng 49% dân số. Tính đến tháng 5/2015 cả nước có trên 124 triệu thuê bao di động, trong đó 36,56 triệu thuê bao 3G. Với sự hỗ trợ trực tiếp rất mạnh mẽ của CNTT, việc cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng internet, mạng viễn thông di động ngày càng dễ dàng và thuận tiện. Tính đến nay có 24 doanh nghiệp viễn thông được cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng; trên 100 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Tổng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông hàng năm đều tăng, riêng năm 2014 đạt khoảng 305.000 tỷ đồng.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng
Tại Đại hội, thay lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã trình bày phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2016-2020. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, công tác thi đua, khen thưởng của ngành TT&TT hướng tới các mục tiêu:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách, qui hoạch, kế hoạch bảo đảm tính đồng bộ đầy đủ, tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ Thông tin, Báo chí và Xuất bản. Tăng cường công tác thực thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông, phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu quả. Xây dựng mạng bưu chính công cộng an toàn, tiện lợi cho người dân và cộng đồng. Xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông. Phát triển mạng truy cập băng rộng, nâng cao năng lực hệ thống truyền dẫn. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.
Không ngừng đổi mới sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Xây dựng mối quan hệ hợp tác - cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo sự chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức; cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động; đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho sự phát triển của Ngành.
Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị xã hội khác vững mạnh, tiên tiến. Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhất là lực lượng trẻ; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ và biện pháp sau:
Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai đồng bộ Chỉ thị 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng;
Khi phát động các phong trào thi đua cần xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, biện pháp, đối tượng tham gia và tiêu chí đánh giá thi đua. Phong trào thi đua phải gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phong trào thi đua cần có hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ tuyên truyền, dễ thực hiện. Cùng với việc tổ chức phong trào thi đua hàng năm, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề để giải quyết những vấn đề khó khăn, cấp bách, những vấn đề cụ thể đặt ra nhằm hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác hàng quý, hàng năm.
Thông qua các phong trào thi đua chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải được thực hiện từ cơ sở và thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện-bồi dưỡng-tổng kết-nhân rộng điển hình tiên tiến. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và trong từng giai đoạn. Hàng năm cần lựa chọn được các điển hình tiên tiến, xuất sắc toàn diện để phổ biến, nêu gương và nhân rộng. Các điển hình tiên tiến phải thực sự tiêu biểu, dẫn đầu phong trào thi đua.
Tổ chức thi đua cùng các điển hình tiên tiến để các phong trào thi đua thực sự phát huy tác dụng và đi vào chiều sâu. Đây là nội dung mới trong phương thức tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua hiện nay. Qua đó đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các phong trào thi đua yêu nước của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành.
Tăng cường việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào. Thông qua các phong trào thi đua lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng động viên kịp thời.
Thường xuyên kiện toàn tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng các cấp theo qui định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013. Nâng cao trách nhiệm các thành viên Hội đồng, đặc biệt là trách nhiệm của Thường trực Hội đồng trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua theo nội dung Chỉ thị 02/CT-BTTTT ngày 12 /10/2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17 /5/ 2011 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Thông tin và Truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới” ban hành kèm theo Quyết định 1831/QĐ-BTTTT ngày 04/11/ 2011 của Bộ trưởng Bộ TT&TT...