Hội thảo “Nghiên cứu về việc phân bổ lại băng tần số hóa cho các ứng dụng di động băng rộng”

01/09/2015

(rfd.gov.vn)- Ngày 28/8/2015, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Tần số vô tuyến điện đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu về việc phân bổ lại băng tần số hóa cho các ứng dụng di động băng rộng”. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động về thúc đẩy tăng cường công tác quản lý tần số trong ASEAN.

Cục trưởng Đoàn Quang Hoan phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý tần số của các nước Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Thái Lan, Philippin và các nhà cung cấp thiết bị như Motorola, Samsung, Nokia, Huawei, Qualcomm, Ericsson, GSMA; phía Việt Nam có các cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông gồm VNPT, Viettel, MobiFone, GTEL, Ha Noi Telecom.

Phát biểu khai mạc, ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện đã nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của vô tuyến băng rộng là xu hướng tất yếu của ngành viễn thông với các dịch vụ và ứng dụng di động ngày càng đa dạng, đòi hỏi yêu cầu cao về phổ tần và lưu lượng dữ liệu cho băng rộng di động. Những yếu tố đó đặt ra thách thức đối với các cơ quan quản lý tần số ASEAN trong việc tìm kiếm thêm băng tần cho các hệ thống băng rộng đáp ứng đòi hỏi về tốc độ lưu lượng vô tuyến. Một trong những giải pháp đó là quy hoạch lại các băng tần dôi dư sau khi triển khai số hóa truyền hình và băng tần hiện dùng cho di động băng hẹp 2G để hướng tới sử dụng cho các hệ thống băng rộng tương lai. Tuy nhiên, để thực hiện việc chuyển đổi, các cơ quan quản lý các nước cần tiến hành xem xét, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề về công nghệ và thiết bị, can nhiễu, các thách thức khi triển khai, cũng như các vấn đề quản lý có thể phát sinh khi phân bổ băng tần số hóa cho các ứng dụng di động băng rộng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp uy tín đã trình bày 10 chuyên đề quan trọng, gồm: Hiện trạng của các băng tần 700 MHz, CDMA 850 và CEPT 800 (quy hoạch băng tần 800 MHz của Châu Âu cho di động băng rộng); tình trạng hiện tại và xu hướng của PPDR (Public Protection and Disaster Relief – Cứu trợ thiên tai) trong băng tần 700/800 MHz; hài hòa băng tần 700/800 MHz; các phương án quy hoạch băng tần 700/800 MHz - Ưu điểm và nhược điểm; can nhiễu giữa các hệ thống băng rộng di động và các hệ thống đang tồn tại trong băng tần 700/800 MHz; các thách thức khi triển khai HSPA trong băng tần 900 MHz; thực hiện vùng phủ indoor cho băng tần 700 MHz; kinh nghiệm của Malaysia xóa bỏ băng tần trunking; kinh nghiệm của Thái Lan trong việc quy hoạch lại băng tần WCDMA 850; kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc triển khai IMT-Advance trong băng tần 700 đến 850 MHz và 2600 MHz; hài hòa phổ tần và công nghệ trong khối ASEAN.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Các kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước được chia sẻ tại Hội thảo giúp cho các nhà quản lý tần số, các nhà khai thác thông tin di động trong và ngoài nước có cái nhìn đa chiều về quy hoạch lại các băng tần trong dải 700-880 MHz, góp phần quan trọng thúc đẩy các nước thành viên ASEAN đạt được cách tiếp cận chung trong việc phân bổ lại băng tần số hóa truyền hình cho di động băng rộng và có quan điểm chung về việc sử dụng băng tần này cho các hệ thống IMT sẽ được xem xét tại Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới (WRC-15), được tổ chức vào cuối năm nay.

Nguyễn Thu Thủy, phòng HT&PHQT