Thể lệ, thị trường và xu thế công nghệ thông tin vệ tinh

30/09/2015

(rfd.gov.vn)- Đó là các nội dung lớn được bàn luận tại Hội nghị Thông tin vệ tinh quốc tế 2015 (ITU International Satellite Symposium 2015) do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức từ ngày 30/9 đến 01/10/2015 tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Kế thừa các kết quả từ những năm trước, Hội nghị Thông tin vệ tinh quốc tế năm nay tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, doanh nghiệp và ngành công nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới Thể lệ quốc tế, dịch vụ thông tin vệ tinh, nền công nghiệp trong lĩnh vực này. Hội nghị thu hút sự tham dự của những chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn trong lĩnh thông tin vệ tinh như: Cục trưởng Cục Không gian (SSD) - ITU; Trưởng phòng Các nghiệp vụ xuất bản và hỗ trợ - Cục Thông tin vô tuyến - ITU; Giám đốc Phát triển và quản lý phổ tần khu vực Châu Á Thái Bình Dương, SES; Giám đốc Các nguồn tài nguyên quỹ đạo, Eutelsat; chuyên gia của Vụ Tần số quốc tế - Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản; phòng Điều phối vệ tinh - Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông In-đô-nê-xi-a; BTRC; ICTPA; PITA; cơ quan quản lý của Việt Nam;… Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải đã tới dự và phát biểu tại Hội nghị.

Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục Tần số, lãnh đạo Sở TTTT Đà Nẵng gặp gỡ xã giao với Cục trưởng Cục Không gian (SSD) - ITU và một số đại biểu quốc tế trước khi khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải chia sẻ: Những năm gần đây, tại Việt Nam thông tin vô tuyến điện phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đã tham gia cung cấp dịch vụ thông tin vệ tinh ngay sau khi phóng thành công các vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 vào các năm 2008 và 2012. Nhờ có thông tin vệ tinh mà nhiều hộ gia đình ở vùng sâu xa, hải đảo của Việt Nam có thể xem được truyền hình và tiếp cận được với internet - Những dịch vụ mà trước đó họ chưa thể nào tiếp cận được. Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia cung cấp dịch vụ quan sát trái đất sau khi phóng thành công vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 vào năm 2013. Hiện nay, hệ thống thông tin vệ tinh của Việt Nam đã có thể cung cấp rất nhiều các loại hình dịch vụ từ viễn thông, phát thanh truyền hình đến quan sát mặt đất qua vệ tinh địa tĩnh và phi địa tĩnh.

Thứ trưởng khẳng định: Ngày nay, nhu cầu phổ tần cho các dịch vụ thông tin vô tuyến đang ngày càng tăng lên do yêu cầu phát triển của công nghệ và nền kinh tế. Nhưng thực tế, nguồn tài nguyên tần số lại có hạn nên xu hướng này trở thành thách thức lớn đối với mỗi quốc gia để làm sao sử dụng có hiệu quả phổ tần số. Việt Nam nhận thức rõ giá trị của thông tin vô tuyến điện mặt đất cũng như vai trò thiết yếu của thông tin vệ tinh. Phổ tần dành cho dịch vụ thông tin mặt đất cũng như cho thông tin vệ tinh cần được xem xét đến những đặc điểm và điều kiện hiện tại của mỗi quốc gia. Việc phân bổ hợp lý phổ tần cho những dịch vụ khác nhau có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm tối ưu hoá các lợi ích cho toàn xã hội.

Thứ trưởng hy vọng những thông tin cập nhật về chính sách quản lý phổ tần, quỹ đạo vệ tinh, thị trường và xu hướng công nghệ tại Hội nghị này sẽ giúp tăng cường quan điểm chung thống nhất của cộng đồng thông tin vệ tinh về những vấn đề liên quan và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các bên.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu tại Hội nghị

Trong hai ngày làm việc, đại biểu tham dự Hội nghị sẽ thảo luận, trao đổi về những nội dung chính như: Cập nhật các quy định của Thể lệ vô tuyến điện, những vấn đề chuẩn bị cho Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-15; khuôn khổ pháp lý và chính sách đối với thông tin vệ tinh, bao gồm những vấn đề thực tiễn của các quốc gia trong hoạt động khai thác dịch vụ thông tin vệ tinh và các dịch vụ phát thanh truyền hình; xu thế công nghệ và thị trường thông tin vệ tinh, cũng như các cơ hội cho ngành công nghiệp trong lĩnh vực này.

Hồng Hạnh