Chia sẻ với báo giới bên lề Tọa đàm "Việt Nam tiến lên 4G như thế nào" chiều nay, 21/10, ông Thắng nhấn mạnh, để quyết định thời điểm triển khai 4G cần dựa vào ba yếu tố. Trước hết cần xem công nghệ đã đủ chín muồi, phổ biến hay chưa. Nếu ta triển khai sớm quá thì giá thành thiết bị sẽ đắt, cước phí sẽ đắt. Ngược lại, nếu ta triển khai giữa chừng thì lại bị lỡ nhịp vì thế giới đã chuyển sang công nghệ khác.
Bản thân công nghệ 4G LTE đã bắt đầu được nhắc đến từ những năm 2009, nhưng ngay cả trên thế giới, các nhà mạng cũng chỉ mới triển khai mạnh từ sau năm 2012. Theo số liệu của GSA, tổng số thuê bao 4G LTE và LTE-Advanced trên toàn thế giới tính đến Q3/2015 đã đạt trên 700 triệu thuê bao, tương đương 10,44% tổng số thuê bao di động toàn cầu. Trên lý thuyết, khi số lượng thuê bao cán ngưỡng 10-15% thì một công nghệ sẽ có khả năng trở nên phổ biến. Tất nhiên, đây chỉ là một kênh để tham khảo vì trong quá khứ, Việt Nam cũng từng phải trả giá cho những công nghệ như City phone, CDMA - 2000, ông Thắng chỉ ra.
Hơn nữa, nếu Việt Nam triển khai quá sớm thì sẽ không tận dụng được những công nghệ mới sau này như LTE Broadcast, Voice-over-LTE...
Một yếu tố thứ hai cũng rất quan trọng là băng tần. Nếu chọn băng tần không phổ biến thì thiết bị hỗ trợ ít, giá thành sẽ đắt, giá cước sẽ bị đội lên. Việt Nam dự định triển khai cấp phép 4G ở ba băng tần 1800 MHz, 2300 MHz và 2600 MHz, cũng như rất muốn triển khai ở băng tần 700 MHz. Đây là một băng tần thấp, rất tốt, rất phù hợp cho 4G nhưng hiện đang vướng truyền hình. Chính vì thế mà Chính phủ đang số hóa truyền hình trên phạm vi toàn quốc để giải phóng băng tần này.
Chỉ làm khi có cầu
Tuy nhiên, yếu tố đóng vai trò then chốt, quan trọng đối với việc lựa chọn thời điểm triển khai 4G, theo ông Lê Nam Thắng, chính là phải xem xét nhu cầu người dùng đến đâu. "Ai cũng muốn dùng công nghệ tốc độ cao, ổn định, cũng như ai cũng thích đi xe Audi, BMW. Nhưng ta cần phải xem trình độ phát triển chung của xã hội ra sao. Vài chục năm trước, trên đường lưu thông chỉ toàn xe đạp, xe thô sơ thì không mấy ai cần đến cao tốc", vị chuyên gia kỳ cựu của lĩnh vực viễn thông so sánh.
Nhưng hiện tại, nếu như lái BMW trên đường toàn xe thồ, xe đạp.. cũng không thể phát huy được hết tốc độ, sức mạnh của xe xịn. Đường giao thông không phân ra làn cho xe tốc độ cao, xe thô sơ thì không giải quyết được điều gì, cũng giống như mạng Việt Nam chưa phân biệt được 2G, 3G, 4G. "Vấn đề của 3G ở Việt Nam không nằm ở công nghệ, không đạt được tốc độ cao mà thực ra nằm ở chất lượng. Diện phủ sóng của nhà mạng hẹp, quá nhiều người dùng truy cập vào cùng một trạm nên tốc độ thấp".
Bản thân 3G tuy bị người dùng trong nước phàn nàn rất nhiều, nhưng về bản chất, đây vẫn là một công nghệ tốt. Tốc độ tối đa của HSPA++ có thể lên tới 42 mb/s, nhưng thực tế lại không bao giờ đạt được như vậy. "Thế thì ta phải hỏi nhà mạng đã triển khai như thế nào? Đường từ Hà Nội vào TP.HCM nếu toàn cao tốc thì di chuyển rất nhanh, nhưng cứ 1 đoạn cao tốc lại xen 1 đoạn tỉnh lộ, 1 đoạn huyện lộ thì tốc độ trung bình không thể cao được".
Theo ông Thắng, cách nhà mạng đang triển khai 3G y hệt như vậy, lộm chộm, mỗi chỗ vài trạm. "Với cách làm ấy thì 4G, 5G cũng thế thôi, không bao giờ đạt được tốc độ như kỳ vọng", ông cảnh báo.
Nguyên Thứ trưởng nhận định, thời gian gần đây, các nhà sản xuất đăng đàn rất nhiều về việc đã đến lúc phải triển khai 4G, nếu không triển khai thì sẽ bị tụt hậu so với các nước xung quanh. Tuy nhiên, ông cho rằng, các nhà mạng cần tránh bị cuốn theo tuyên bố của nhà sản xuất, vì bản thân họ cũng có lợi ích từ đó. Chiến lược 3G của Việt Nam chính là một ví dụ kinh điển: Các nước triển khai từ những năm 2000 nhưng gần 10 năm sau Việt Nam mới làm, khi smartphone, tablet trở nên phổ biến.
"Nhà mạng phải thực sự lắng nghe nhu cầu từ phía người dùng. Phải có nhu cầu thì việc kinh doanh mới có thực chất và hiệu quả. Còn nếu không có nhu cầu mà vẫn cố làm thì chỉ là để làm thương hiệu, làm để lấy tiếng", ông Thắng kết luận.