Hội nghị vô tuyến thế giới 2015 (WRC-15) được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức từ ngày 2 đến ngày 27/11 tới tại Geneva, Thụy Sĩ. Tham gia Hội nghị WRC-15 có 3300 đại biểu đến từ 162 quốc gia và 500 quan sát viên từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Hội nghị WRC-15 đã xem xét và giải quyết 40 chủ đề theo chương trình nghị sự bao gồm các nội dung phân bổ và dùng chung tần số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh cho các nghiệp vụ: thông tin di động, vệ tinh, hàng hải, hàng không, thông tin cứu hộ cứu nạn đồng thời đưa ra chương trình nghiên cứu trong 4 năm tiếp theo cho nhiều nghiệp vụ thông tin vô tuyến.
Một số kết quả chính của Hội nghị bao gồm: phân bổ băng tần cho hệ thống theo dõi hành trình bay toàn cầu cho phép hoạt động thu phát tín hiệu từ máy bay đến vệ tinh giúp giám sát hành trình của máy bay tại mọi nơi trên trái đất như trên các đại dương, các vùng sâu, xa và các vùng cực của trái đất; phân bổ toàn cầu hài hòa hóa băng tần 700 MHz cho băng rộng di động giúp thu hẹp khoảng cách số toàn cầu; quyết định duy trì sử dụng thời gian tham chiếu toàn cầu UTC; hài hòa phổ tần cho dịch vụ cứu hộ và giảm nhẹ thiên tai nhằm tăng khả năng tìm kiếm và cứu hộ khắp thế giới thông qua vệ tinh; xem xét các quy định và phân bổ tần số cho phép nâng cao ứng dụng nhận dạng tự động (AIS) và các ứng dụng thông tin vô tuyến hàng hải thông qua việc phát triển các hệ thống số hóa…
Đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị WRC-15 với mục tiêu đảm bảo sự hài hòa về sử dụng tần số của Việt Nam với thế giới và bảo vệ các quyền lợi của Việt Nam trong việc phân bổ và quy hoạch tần số. Để chuẩn bị cho sự tham gia tại Hội nghị WRC-15, Việt Nam đã xây dựng và gửi 15 đề xuất tới Hội nghị bao gồm 12 đề xuất chung của khu vực châu Á Thái Bình Dương (APT) và 03 đề xuất riêng của Việt Nam bao gồm các nội dung: phân bổ băng tần cho nghiệp vụ thông tin di động, bảo vệ băng tần cho vệ tinh của Việt Nam, bổ sung băng tần cho nghiệp vụ vệ tinh (FSS), phân bổ băng tần và hiện đại hóa cho các hệ thống thông tin hàng hải, băng tần cho nghiệp vụ hàng không và giám sát máy bay… Tại Hội nghị, các cán bộ đoàn Việt Nam đã chủ động bảo vệ quan điểm của Việt Nam và làm điều phối viên của khu vực APT đối với các nội dung được phân công. Kết quả, đoàn đã được thực hiện được mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ băng tần C mở rộng cho vệ tinh VINASAT 1 của Việt Nam, đồng thời các nội dung về nghiệp vụ thông tin hàng hải, hàng không đã thể hiện được quan điểm của Việt Nam.
Trong thời gian dự Hội nghị WRC-15, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã gặp xã giao và làm việc với ông Zhao Houlin -Tổng thư ký ITU, ông Francois Rancy – Cục trưởng Cục Thông tin vô tuyến, Ông Cheasub Lee – Cục trưởng Cục Tiêu chuẩn viễn thông và Ông Brahima Sanou – Cục trưởng Cục phát triển viễn thông. Tại các buổi làm việc này, các Lãnh đạo ITU đã đánh giá cao thành tựu phát triển về viễn thông/ CNTT của Việt Nam cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của ITU, và mong muốn trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia và khuyến khích các doanh nghiệp, học viện, các đơn vị nghiên cứu tham gia vào các hoạt động của ITU. Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động và tích cực trong việc tham gia các hoạt động của ITU, thể hiện là một thành viên tham gia có trách nhiệm và hiệu quả, đồng thời đề nghị ITU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách quản lý, nâng cao nguồn nhân lực viễn thông.
Cũng trong dịp tham dự Hội nghị WRC-15, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã có buổi làm việc với Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh WTO và các tổ chức quốc tế ở Geneva để trao đổi về các nội dung tham gia của Việt Nam tại Hội nghị và sự phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Geneva đối với các vấn đề liên quan đến ngoại giao, chính trị và chủ quyền lãnh thổ.