Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tuấn – Phó Trưởng phòng CSQHTS, cho biết: Với vai trò là Văn phòng của Ban chỉ đạo Đề án Số hoá truyền hình mặt đất, Cục Tần số đã làm tốt công tác tham mưu giúp Ban Chỉ đạo chỉ đạo, điều hành triển khai Đề án theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, đã hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam. Đây là thành công bước đầu rất quan trọng trong lộ trình triển khai số hóa truyền hình mặt đất của Việt Nam, tạo tiền đề thuận lợi và nhiều bài học kinh nghiệm để triển khai số hóa truyền hình mặt đất trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, để đảm bảo việc thu xem các chương trình chính trị, công ích thiết yếu của người dân được liên tục trong dịp Tết Bính Thân và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đồng thời đảm bảo việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn có thêm thời gian triển khai, Cục Tần số đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo đưa ra quyết định điều chỉnh thời điểm tắt hoàn toàn sóng truyền hình tương tự ở 04 thành phố TƯ (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ) đến 01/6/2016.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng CS&QHTS trình bày tham luận đề cập tới các nội dung về: Công nghệ thông tin di động 5G, nhu cầu phổ tần cho thông tin vô tuyến băng rộng, quy hoạch và cấp phép băng tần cho công nghệ 2G/3G, quy hoạch băng tần 4G, triển khai công nghệ 3G/4G trên băng tần 2G và kết quả Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-15.
Công nghệ thông tin di động 5G hứa hẹn sẽ mang đến cho người dùng những trải nghiệm chưa từng có về chất lượng cao, mạng kết nối băng rộng mọi lúc mọi nơi và đa dạng các loại hình dịch vụ thông tin di động, kết nối vạn vật (IoT). Theo tuyên bố của ITU, các mạng 5G sẽ có khả năng cung cấp tốc độ truyền dữ liệu cao gấp 10 lần so với mạng 4G. Ngoài ưu điểm về tốc độ, mạng 5G phải đảm bảo độ trễ cực thấp, tính khả thi cực cao, hỗ trợ tối ưu hóa và điều khiển lưu lượng theo thời gian thực.
Tham luận cũng cho hay, ITU dự báo nhu cầu phổ tần cho IMT đến 2020 dao động từ 1340 MHz đến 1960 MHz. Tại Việt Nam hiện nay, tổng phổ tần phân bổ cho IMT là 687 MHz. Theo kết quả nghiên cứu giữa Cục Tần số VTĐ và Học viện Bưu chính Viễn thông cùng Đại học Công nghệ triển khai trong năm 2015, nhu cầu phổ tần cho IMT đến 2020 tại Việt Nam dao động từ 1060 MHz đến1360 MHz. Như vậy, Việt Nam thiếu khoảng 373 MHz đến 673 MHz phổ tần cho IMT.
Đối với các băng tần quy hoạch cho 4G, Bộ TTTT đã ban hành 02 Thông tư số 26 và 27/2010/TT-BTTTT về quy hoạch băng tần 2300-2400 MHz và 2500-2690 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam. Bộ TTTT dự kiến sẽ đấu giá băng tần 2.6 GHz này vào đầu năm 2016 và sau năm 2020, khi quá trình số hóa truyền hình hoàn tất, băng tần 694-806 MHz dôi dư sau số hóa sẽ được quy hoạch sử dụng cho IMT.
Cũng tại Hội thảo này, các đại biểu đã được chia sẻ thông tin về kết quả của Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-15, xoay quanh vấn đề: Phổ tần cho IMT và IMT 2020; các băng tần phân bổ thêm cho hàng không, hàng hải;băng tần phân bổ cho thông tin vệ tinh.
Theo đó, tại WRC-15 vừa qua, có 19 băng tần con được xem xét cho IMT, tuy nhiên kết quả WRC-15 chỉ thông qua các băng tần: 1427-1518 MHz, 3300-3400 MHz và 4800-4990 MHz cho thông tin di động IMT. Ngoài ra, WRC-15 đã quyết định xem xét và đưa vào Chương trình nghị sự WRC-19 nội dung về phân bổ băng tần milimet từ 24.25-86 GHz cho IMT 2020.
Về vấn đề băng tần cho hàng không, hàng hải: WRC-15 đã phân bổ băng tần 457.5125-457.5875 MHz, 467.5125-467.5875 MHz cho hệ thống thông tin nội bộ tàu biển; phân bổ băng tần 1087.7-1092.3 MHz cho nghiệp vụ di động hàng không (theo tuyến) qua vệ tinh (đường lên), giúp sử dụng cho hoạt động thu tín hiệu theo dõi hành trình bay (ADS-B) từ các thiết bị phát đặt trên máy bay và phân bổ băng tần 4200-4400 MHz cho hệ thống thông tin nội bộ tàu bay.
Về băng tần dành cho thông tin vệ tinh: WRC-15 đã phân bổ băng tần 7375-7750 MHz cho nghiệp vụ di động hàng hải qua vệ tinh (đường xuống); phân bổ băng tần 14.5-14.75/14.8 GHz cho nghiệp vụ cố định qua vệ tinh (FSS) ở một số quốc gia thuộc 03 Vùng.
Kết thúc Hội thảo, Ban Tổ chức đánh giá cao nội dung của các bài trình bày và sự tham gia tích cực của các đại biểu. Những vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội thảo rất hữu ích, giúp cho các Bộ, Ngành áp dụng hiệu quả những kết quả liên quan vào thực tiễn sử dụng tần số và thiết bị VTĐ của đơn vị mình, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của đất nước.