Trước đó, ngày 22/3/2016, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ TTTT, Cục Tần số vô tuyến điện nêu rằng: Theo thông tin từ một số báo và đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình thì hiện tại một số nhà mạng có kiến nghị tắt dịch vụ 2G, thu hồi tần số mạng 2G để phát triển dịch vụ 4G; nếu kiến nghị này được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, thì các đơn vị vận tải trong nước sẽ rất khó khăn trong việc quản lý và khai thác thiết bị GSHT hiện đang lắp đặt trên hơn 300.000 ôtô. Hiệp hội này kiến nghị Bộ TTTT, Cục Tần số VTĐ có lộ trình thu hồi tần số mạng di động 2G để tạo điều kiện cho đơn vị kinh doanh vận tải có thời gian nâng cấp, chuyển đổi hệ thống GSHT,…
Văn bản trả lời của Cục Tần số VTĐ nêu rõ, theo Thông tư số 04/2015/TT-BTTTT ngày 10/3/2015 của Bộ TTTT, thì doanh nghiệp viễn thông được phép triển khai đồng thời hệ thống thông tin di động GSM (2G) và IMT-2000 (3G) trên băng tần 900MHz; triển khai đồng thời hệ thống thông tin di động 2G và IMT-Advanced (4G) trên băng tần 1800MHz. Như vậy, hệ thống thông tin di động 2G vẫn đang được cấp phép hoạt động song song với các hệ thống di động 3G/4G.
Hiện nay công nghệ và dịch vụ di động 2G vẫn đóng vai trò quan trọng trong thị trường viễn thông tại Việt Nam và trên thế giới. Mặc dù số lượng thuê bao di động 2G có giảm nhưng vẫn giữ vai trò chủ đạo trong số lượng thuê bao di động. Do vậy, trong thời gian tới mạng thông tin di động 2G vẫn tiếp tục được duy trì. Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục nghiên cứu xu hướng phát triển của các công nghệ di động, bao gồm công nghệ di động 2G, để có chính sách quản lý phù hợp.
Văn bản này cũng cho biết, Bộ TTTT chưa nhận được kiến nghị bằng văn bản từ các doanh nghiệp viễn thông về việc ngừng cung cấp dịch vụ di động 2G. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp viễn thông muốn ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông (bao gồm cả di động 2G) đều phải thực hiện theo lộ trình, đồng thời phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo quy định của Luật Viễn thông.