Theo báo cáo do Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Nguyễn Đức Trung trình bày tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2020, Cục Tần số VTĐ đã đạt được một số kết quả đáng kể như: Đã tổ chức 02 cuộc họp và 03 lần lấy ý kiến doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định theo trình tự rút gọn về thu tiền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần; đã báo cáo lãnh đạo Bộ và hiện đang dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi; xây dựng và Bộ TTTT đã gửi lấy ý kiến của Bộ GTVT cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2016/TT-BTTTT; tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo các Thông tư quy hoạch băng tần 4.8 - 4.99 GHz, băng tần 24.25 - 29.5 GHz, băng tần 3.4 - 4.2 GHz; tồng hợp ý kiến các Bộ ngành về quy hoạch băng tần 2300 - 2400 MHz và băng tần 2500 - 2690 MHz; trình Bộ về nhu cầu sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất giai đoạn 2021-2030 phục vụ cho quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình số mặt đất băng tần UHF (470-694 MHz); nghiên cứu, dự thảo các nội dung sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia; trình Bộ ban hành văn bản về ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đối với các trạm phát lại tại 09 tỉnh Nhóm II và 12 tỉnh Nhóm III;...
Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, Cục đã cấp 14.752 giấy phép, trong đó có gần 1200 giấy phép sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân; thực hiện cấp phép mới, chuyển đổi kênh tần số cho các Đài VTV, VTC, DTV, AVG; gia hạn giấy phép băng tần thử nghiệm công nghệ 5G cho Viettel; hướng dẫn doanh nghiệp có ý kiến về phí sử dụng băng tần 5G để đề xuất sửa đổi.
Được Bộ TTTT phê duyệt Kế hoạch phát triển hệ thống kỹ thuật kiểm soát tần số VTĐ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; tổ chức khảo sát và nghiên cứu các giải pháp để xử lý phát xạ trong băng tần 700 MHz; kiểm soát tần số đảm bảo an toàn thông tin VTĐ phục vụ 05 Hội nghị quốc tế tại Nha Trang, Hà Nội, Đà Nẵng; xử lý nhiễu đối với 121 trạm gốc mạng thông tin di động, xác định 18 trạm lặp thông tin di động, 03 thiết bị thu/phát wifi gây nhiễu; đo kiểm 1.631 thiết bị vô tuyến, CNTT, điện gia dụng với 3449 quy chuẩn/tiêu chuẩn phục vụ công tác chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn
Trong 6 tháng đầu năm, Cục và các Trung tâm khu vực đã triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; ban hành 36 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 110 triệu đồng.
Hoàn thiện dự thảo và trình Bộ xem xét, phê duyệt Khung Đề án bảo vệ chủ quyền tần số quốc tế của Việt Nam trên biển, đảo.
Về kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020, Cục Tần số VTĐ phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ Bộ TTTT giao, trọng tâm là xây dựng chính sách, quy hoạch băng tần. Cụ thể: Trình Lãnh đạo Bộ các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của Luật Tần số VTĐ; Bộ TTT gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp dự thảo Nghị định về thu tiền sử dụng tần số VTĐ; đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ; trình Bộ trưởng ban hành: Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2016/TT-BTTTT, 04 Thông tư về quy hoạch tần số cho 5G, Thông tư quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình số mặt đất băng tần UHF (470-694 MHz); trình Bộ dự thảo đề cương chi tiết nội dung sửa đổi, bổ sung Quyết định về ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia; tiếp tục triển khai số hóa truyền hình và tắt sóng ATV tại 15 tỉnh Nhóm IV theo tiến độ; hoàn thành dự thảo bổ sung, sửa đổi danh mục phí, lệ phí và mức thu phí, lệ phí băng tần 5G; triển khai Kế hoạch phát triển mạng đài kiểm soát quốc gia 2021-2025 và định hướng đến năm 2030;...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm ghi nhận sự tận tâm, trách nhiệm, đoàn kết của tập thể lãnh đạo Cục và tập thể CCVC Cục trong thời gian qua với "sức bật" tốt trên tinh thần phụng sự tổ quốc cùng khối lượng công việc lớn.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng mà Cục phải đặc biệt quan tâm và sớm triển khai, đó là: Ưu tiên vấn đề sửa đổi, bổ sung Luật Tần số VTĐ bởi đây là vấn đề lớn, tạo ra nền tảng mới cho công tác quản lý tần số trong thời gian tới.
Các quy hoạch tần số cho 5G cần tạo cơ hội, điều kiện lựa chọn rộng rãi để các doanh nghiệp triển khai và cung cấp dịch vụ với giá cả hợp lý, giúp người dân sớm tiếp cận được với các dịch vụ 5G.
Lập kế hoạch làm việc với các đối tượng bị tác động sau khi Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia sửa đổi, bổ sung (theo kết quả WRC 2019) sau khi được phê duyệt.
Đảm bảo hoàn thành tắt sóng truyền hình tương tự trong năm 2020 theo đúng tiến độ của Đề án; tìm các giải pháp đi vào bản chất để giải quyết can nhiễu do micro không dây gây ra trên băng IMT 700 MHz.
Tổ chức báo cáo Bộ trưởng tổng thể các vấn đề về quản lý tần số. Phát huy dân chủ cơ sở để đạt được sự đồng thuận cao nhất trong tập thể đối với công tác tổ chức nhân sự;…
“Đội ngũ CCVC tinh nhuệ, tinh thông chuyên môn và có tinh thần trách nhiệm trong công việc; có sự đoàn kết, nhất trí giữa các đơn vị, trong tập thể lãnh đạo đã giúp cho công việc của Cục trong các tháng qua chạy tốt với khối lượng nhiều tương đương một năm trước đây. Với những nền tảng Cục đã có từ mấy chục năm trước, cùng với kết quả công tác đạt được trong 6 tháng vừa qua, tôi tin tưởng rằng Cục có đủ những năng lực cần thiết để xử lý tốt tất cả những thách thức đang đặt ra đối với công tác quản lý tần số” – Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định.