Hội thảo trực tuyến về hài hòa phổ tần cho 5G trong các nước ASEAN

01/12/2021

(rfd.gov.vn)- Ngày 26/11/2021, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Tần số vô tuyến điện tổ chức Hội thảo trực tuyến về hài hòa phổ tần cho 5G trong các nước ASEAN. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia hàng đầu thế giới về thông tin di động đến từ: GSMA, Ericsson, Huawei, NSN, Nokia, Axiata, Công ty tư vấn Windsor Place, cơ quan quản lý tần số các nước ASEAN và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TTTT.

Ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Tần số VTĐ phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung – Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, các nước khu vực ASEAN đang triển khai việc cấp phép băng tần cho 5G, việc hài hòa phổ tần dành cho IMT nói chung và 5G nói riêng của các nước trong khu vực là vấn đề cấp thiết đặt ra nhằm giảm thiểu can nhiễu giữa các nước và đạt được hiệu quả sử dụng phổ tần tốt nhất.

Băng tần 3.5 GHz đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển 5G. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấp phép cho doanh nghiệp triển khai 5G khi hệ sinh thái thiết bị 5G đã tương đối phát triển. Tuy nhiên, đa số các nước ASEAN đều đang gặp thách thức chung về vấn đề quy hoạch tần số cho 5G ở băng tần 3.5 GHz do đang sử dụng cho hệ thống cố định qua vệ tinh. Việc xem xét sử dụng rộng rãi mạng 5G trên băng tần này cần có các giải pháp kỹ thuật để tránh nhiễu có hại cho các đài trái đất trên cơ sở đánh giá, thử nghiệm 5G.

Hiện nay, để giải quyết vấn đề băng tần cho 5G khi chưa thể sử dụng băng tần 3.5 GHz, nhiều quốc gia xem xét quy hoạch băng tần 2.6 GHz để sử dụng cho 5G theo phương án TDD khi mà hệ sinh thái thiết bị 5G hỗ trợ băng tần này đã ở mức sẵn sàng cao. Tuy nhiên, sự không hài hòa về mặt quy hoạch băng tần trong khu vực khi một số quốc gia lại đang sử dụng băng tần 2.6 GHz cho 4G theo phương án FDD dẫn đến yêu cầu cần phối hợp, xử lý nhiễu đường biên giới để giải quyết bài toán này.

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của gần 120 đại biểu đến từ 8 nước ASEAN

Tại Hội thảo vừa qua, cơ quan quản lý tần số và nhà khai thác các nước trong khu vực ASEAN, bao gồm: Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã chia sẻ các nghiên cứu, đo đạc về khả năng dùng chung giữa vệ tinh và di động trong băng tần 3.5 GHz, phối hợp tần số vùng biên để tránh can nhiễu giữa mạng thông tin di động sử dụng công nghệ TDD và FDD cho các băng tần 2.6 GHz và 3.5 GHz và khả năng sử dụng băng tần 700 MHz cho 5G.

Bên cạnh cơ quan quản lý tần số các nước chia sẻ kinh nghiệm từ quốc gia, các diễn giả là các chuyên gia đến từ những tổ chức và doanh nghiệp uy tín trên thế giới, gồm: GSMA, công ty tư vấn Windsor Place; các nhà sản xuất thiết bị như Ericsson, Huawei, NSN tham gia Hội thảo cũng đã trình bày, chia sẻ về xu hướng quy hoạch các băng tần, hệ sinh thái thiết bị và cập nhật tình hình phát triển của 5G trên toàn cầu.

Hình ảnh một bài trình bày của Nokia tại Hội thảo

Các thông tin và kinh nghiệm được trình bày tại Hội thảo đã giúp cơ quan quản lý tần số các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế, các nhà khai thác trong và ngoài nước có cái nhìn đa chiều về việc hài hòa phổ tần cho 5G trong khu vực. Điều đó giúp cho cơ quan quản lý xây dựng được các chính sách phù hợp với xu thế phát triển của khu vực và thế giới và các nhà mạng có định hướng phát triển phù hợp với khu vực, giảm thiểu can nhiễu ở khu vực vùng biên.

Nguyễn Ngọc Cảnh - Phòng Hợp tác và Phối hợp tần số quốc tế