Tham dự Lễ ký kết gồm: Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Nguyễn Phương Anh; Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ; Giám đốc Trung tâm I Nguyễn Phương Đông; cùng đại diện các phòng ban của 2 đơn vị.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.758 Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, và 110 Giấy phép băng tần đang hoạt. Nhằm cụ thể hóa các nội dung phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện phù hợp điều kiện hoàn cảnh và đảm bảo thống nhất, quản lý chặt chẽ hoạt động của các thiết bị phát sóng vô tuyến điện, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã thống nhất kế hoạch phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện (VTĐ) trên địa bàn thành phố Hà Nội, gồm 07 nội dung với 17 nhiệm vụ cụ thể:
Trong đó, Trung tâm I sẽ chủ trì xây dựng nội dung, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về sử dụng tần số, thiết bị VTĐ; hướng dẫn thủ tục đăng ký cấp phép, cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ đối với đài truyền thanh không dây, mạng nội bộ, thiết bị VTĐ phục vụ sự kiện có thời gian sử dụng dưới 15 ngày, và các thiết bị VTĐ đặt trên phương tiện nghề cá theo phân cấp tại Thông tư 04/2021/TT-BTTT; Thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch của Bộ TT&TT và của Cục Tần số vô tuyến điện; thanh tra, kiểm tra đột xuất; xử lý và giải quyết can nhiễu VTĐ; Kiểm soát, xử lý can nhiễu tần số đảm bảo an toàn, an ninh thông tin VTĐ trên địa bàn.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trung tâm I thực hiện những nội dung: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tần số VTĐ với các hình thức phù hợp (tổ chức hội nghị tuyên truyền; đăng tin, bài viết trên cổng thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, quận, huyện…); thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch của Sở Thông tin và Truyền thông về công tác quy chuẩn, chất lượng thiết bị VTĐ lưu thông trên thị trường (chú trọng đối với thiết bị âm thanh không dây, thiết bị bộ đàm); thẩm định về tần số và thiết bị VTĐ trong các dự án phát triển Thành phố thông minh.
Tại Lễ ký kết, lãnh đạo Trung tâm I và Sở TT&TT Hà Nội thống nhất các nội dung ký kết, đồng thời, mong muốn, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, hai đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp trong công tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Tần số vô tuyến điện để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và mọi người dân hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng tần số vô tuyến điện; tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý can nhiễu; phối hợp trong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp phép cho các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện. Đặc biệt là phối hợp trong công tác kiểm soát, xử lý can nhiễu tần số VTĐ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin VTĐ tại các sự kiện chính trị, văn hóa thể thao trên địa bàn Hà Nội, như sự kiện SEA Games 31 diễn ra trên địa bàn Thành phố, trong tháng 5/2022.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bà Nguyễn Phương Anh- Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ khẳng định những kết quả đạt được của công tác quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua là có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm I và Sở TT&TT Hà Nội; để công tác quản lý tần số VTĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt hiệu quả, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ đề nghị hai đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện các nội dung đã ký kết.
Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cũng đề nghị Sở TT&TT Hà Nội đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi các đài Truyền thanh không dây hoạt động trong băng tần 87-108 Mhz sang hệ thống sử dụng công nghệ thông tin hoặc chuyển về băng tần 54 -68 MHz theo Quyết định số 38/2021/QĐ-TTg ngày 29/12/2021 và văn bản hướng dẫn của Bộ tại công văn số 2434/BTTTT-CTS ngày 30/06/2020.
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý tần số tại các địa phương trên địa bàn quản lý, trong Quý 1 năm 2022, Trung tâm I cũng đã xây dựng và tổ chức ký kết “Kế hoạch phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện tại địa phương năm 2022” với 10 Sở TT&TT gồm: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
Kế hoạch phối hợp giữa Trung tâm I và các Sở TT&TT bao gồm 07 nội dung với 20 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Trung tâm I sẽ chủ trì xây dựng nội dung, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về sử dụng tần số, thiết bị VTĐ; hướng dẫn thủ tục đăng ký cấp phép, cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ đối với đài truyền thanh không dây, mạng nội bộ, thiết bị VTĐ phục vụ sự kiện có thời gian sử dụng dưới 15 ngày, và các thiết bị VTĐ đặt trên phương tiện nghề cá theo phân cấp tại Thông tư 04/2021/TT-BTTT; Thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch của Bộ TT&TT và của Cục Tần số vô tuyến điện; thanh tra, kiểm tra đột xuất; xử lý và giải quyết can nhiễu VTĐ; Kiểm soát, xử lý can nhiễu tần số đảm bảo an toàn, an ninh thông tin VTĐ trên địa bàn.
Các Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Trung tâm I thực hiện các nội dung: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tần số VTĐ với các hình thức phù hợp (tổ chức hội nghị tuyên truyền; đăng tin, bài viết trên cổng thông tin điện tử của Sở TTTT và tỉnh, thành phố, …); hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; nhắc gia hạn giấy phép đối với các đơn vị sử dụng tần số vô tuyến điện trên địa bàn theo danh sách do Trung tâm cung cấp; thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch của Sở về công tác quy chuẩn, chất lượng thiết bị VTĐ lưu thông trên thị trường (chú trọng đối với thiết bị âm thanh không dây, thiết bị bộ đàm); thẩm định về tần số và thiết bị VTĐ trong các dự án phát triển thành phố thông minh.