Việt Nam thể hiện cam kết xây dựng và phát triển cộng đồng thông tin vô tuyến châu Á - Thái Bình Dương

11/09/2022

(rfd.gov.vn)- Tiến sỹ Lê Văn Tuấn - Cục trưởngCục Tần số vô tuyến điện tiếp tục được cộng đồng thông tin vô tuyến điện khu vực tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Hội nghị thông tin vô tuyến Châu Á - Thái Bình Dươngnhiệm kỳ 2023-2025.

Hội nghị thông tin vô tuyến Châu Á - Thái Bình Dương (AWG) là hội nghị chuyên sâu lớn nhất của Cộng đồng viễn thông khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APT) về các vấn đề liên quan đến quản lý tần số, phát triển công nghệ thông tin vô tuyến, ứng dụng công nghệ vô tuyến mới, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như thông tin di động (IMT), thông tin vệ tinh, IoT, máy bay không người lái,..

Các đại biểu tham dự Hội nghị AWG-30

Hội nghị AWG thường được tổ chức mỗi năm hai lần, với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia đến từ 28 cơ quan quản lý của các nước thành viên APT và các hiệp hội quốc tế, các nhà sản xuất thiết bị, các viện nghiên cứu, các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông hàng đầu trong khu vực và trên thế giới như: GSMA, GSA, Ericsson, Huawei, Samsung, Qualcomm, Inmarsat, Intel, Apple, Meta, Amazon,...

Hội nghị Thông tin vô tuyến Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 (AWG-30) tổ chức tại thành phố Bangkok, Thái Lan từ ngày 05-09/09/2022. Hội nghị đã bầu Tiến sỹ Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện là Chủ tịch của Hội nghị AWG nhiệm kỳ 2023-2025. Tiến sỹ Dea-Jung Kim (Hàn Quốc), Tiến sỹ Khoirul Anwar (Indonesia) được bầu làm các Phó Chủ tịch.

Tiến sỹ Lê Văn Tuấn – Chủ tịch Hội nghị AWG phát biểu khai mạc

Việc tiếp tục được bầu làm Chủ tịch của AWG thể hiện tầm ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về chuyên môn của các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực thông tin vô tuyến, tiếp tục thực hiện mục tiêu tham gia sâu vào các tổ chức quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Việt nam đang thúc đẩy công nghiệp sản xuất thiết bị số. Đồng thời, kết quả này cũng phản ánh uy tín và vai trò cá nhân của Tiến sỹ Lê Văn Tuấn, ghi nhận kết quả điều hành của Chủ tịch Hội nghị AWG trong nhiệm kỳ 2020-2022 vừa qua.

Một số kết quả hoạt động nổi bật của AWG trong giai đoạn 2020-2022 có thể kể đến như:

  • Tái cấu trúc lại AWG đồng thời xác định rõ tầm nhìn và kế hoạch trọng tâm trong hoạt động nghiên cứu cho giai đoạn tới.
  • Hoàn thành các nghiên cứu về quy hoạch tần số, công nghệ cho di động IMT, trong đó đáng chú ý có quy hoạch các băng tần 600 MHz, 1500 MHz, 2100 MHz, 3300 MHz, 4900 MHz đều được xây dựng với sự chủ trì hoặc tham gia tích cực của Việt Nam.
  • Xây dựng các báo cáo về giải pháp tránh nhiễu giữa các hệ thống 4G/5G.
  • Xây dựng các báo cáo về hoạt động của các hệ thống thông tin vệ tinh sử dụng trên tàu biển, tàu bay (ESIM/VMES); truyền năng lượng không dây (ứng dụng sạc không dây); máy bay không người lái (UAS); trạm vô tuyến trên tầng bình lưu (HAPS); ...

Trong suốt 19 năm hình thành và phát triển của AWG, Việt Nam luôn là quốc gia có uy tín, trách nhiệm với nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động chung của khu vực như: đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch của AWG giai đoạn từ 2014-2019; Chủ tịch AWG giai đoạn 2020-2022; Chủ tịch nhóm làm việc về Thông tin vệ tinh-hàng không- hải; đóng góp nhiều nghiên cứu và đề xuất giá trị cho hội nghị. Những điều này thể hiện cam kết xây dựng và phát triển cộng đồng thông tin vô tuyến châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cũng như trong thời gian tới.

Bùi Hà Long