Hội nghị dự kiến sẽ thu hút gần 300 đại biểu tham dự là các chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới về thông tin vô tuyến đến từ các quốc gia thành viên của APT cùng nhiều doanh nghiệp viễn thông trong nước và quốc tế như: Vietel, VNPT, GSMA, Ericsson, Huawei, Nokia, Qualcomm, Samsung, Apple,... Hội nghị được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến (thông qua cuộc họp APT Zoom).
Đây là Hội nghị chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến quản lý tần số, các ứng dụng và công nghệ thông tin vô tuyến, các hệ thống vô tuyến mới xuất hiện để đáp ứng nhu cầu trong kỷ nguyên hội tụ kỹ thuật số ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị cũng cung cấp hiệu quả giải pháp thông tin vô tuyến tạo thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và kỹ thuật vô tuyến. Tại Hội nghị lần thứ 31 này, AWG sẽ tiếp tục hoàn thiện các nghiên cứu, thảo luận các vấn đề về: Sử dụng tần số cho thiết bị vô tuyến điện trong lĩnh vực sản xuất chương trình và các sự kiện đặc biệt (PSME) trong băng tần 470-806 MHz ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Beam vô tuyến truyền dẫn công suất thấp WPT (Wireless Power Transmission); Nghiên cứu sử dụng các dải tần số 300–400 kHz, 1610 – 1950 kHz và 1950 –2150 kHz cho thiết bị WPT; Các hệ thống vệ tinh băng tần Ka sử dụng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và định hướng phát triển các quy hoạch tần số quốc gia; Nghiên cứu về khả năng tương thích, dùng chung cho các nghiệp vụ vô tuyến ở các dải tần dưới 6 GHz; Kỹ thuật giám sát phổ tần tại các sự kiện lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Kết quả nghiên cứu của AWG là các báo cáo, khuyến nghị giúp ích cho các thành viên của APT và các khu vực khác trên thế giới trong việc sử dụng hiệu quả tần số và triển khai các hệ thống thông tin vô tuyến.
Tham gia Hội nghị lần này, Cục Tần số vô tuyến điện sẽ có 10 đề xuất lên Hội nghị về các vấn đề: phương pháp và giá phổ tần IMT; hiện trạng và kế hoạch sử dụng trong tương lai ở các dải tần 7.125-24 GHz và 92-300 GHz; sử dụng tần số cho PMSE trong băng tần 470-806 MHz; hệ thống truy cập không dây (Mạng truy cập cục bộ vô tuyến - WAS/RLAN); lập kế hoạch phổ tần trong tương lai để cải thiện công suất và vùng phủ sóng IMT vào năm 2025-2030; hiện trạng yêu cầu chứng nhận tự nguyện đối với việc chấp nhận thiết bị di động trong các nhà khai thác mạng di động; kỹ thuật giám sát và định vị trạm gốc giả; kỹ thuật và quy định chia sẻ cơ sở hạ tầng mạng di động đang hoạt động ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương; truy cập mạng đa lớp sử dụng hệ thống vệ tinh và hệ thống vệ tinh băng tần Ka.
Trước đó, tại Hội nghị AWG lần thứ 30 (AWG-30) tổ chức tại Thái Lan từ 05 – 09/9/2022, Tiến sĩ Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiếp tục được tín nhiệm tái cử giữ vị trí Chủ tịch Hội nghị Thông tin Vô tuyến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2022-2025.