Thiết bị phát thanh truyền hình

25/10/2016

(rfd.gov.vn)- Theo Thông tư số 05/2015/TT-BTTTT, ban hành ngày 23/3/2015, mẫu 1d được dùng để kê khai khi đề nghị cấp mới giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ; gia hạn (không thay đổi nội dung trong giấy phép); ngừng (khi giấy phép còn hiệu lực); bổ sung, thay đổi một số nội dung trong giấy phép đã được cấp đối với thiết bị phát thanh truyền hình.

 

Bản khai đăng ký cấp phép – Mẫu 1d

Hoặc, đăng ký cấp phép qua mạng tại đây

 

I/ PHẦN HƯỚNG DẪN CHUNG:

- Tất cả các bản khai không đúng quy cách, mẫu mã, loại nghiệp vụ, kê khai không rõ ràng, đầy đủ sẽ phải yêu cầu làm lại hoặc bổ sung cho đầy đủ.

- Để trống những mục không phải điền.

- Không tẩy xoá các số liệu kê khai.

- Khi cần liên hệ trực tiếp với Cục Tần số vô tuyến điện  theo địa chỉ:

Cục Tần số vô tuyến điện  - Bộ Thông tin và Truyền thông

 115 Trần Duy Hưng - Quận Cầu Giấy - Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 024.35564919;        Fax:  024.35564930

Hoặc các Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực thuộc Cục:

Khu vực 1: 115 Trần Duy Hưng - Quận Cầu Giấy - Thành phố Hà Nội

Điện thoại: 024.35564919; Fax: 024.35564930

Khu vực 5: 783 - Đại lộ Tôn Đức Thắng – Phường Sở Dầu- Quận Hồng bàng - Thành phố Hải Phòng

Điện thoại: 0225.3827857 / Fax: 0225.3827420

Khu vực 2: Lô 6 khu E – Khu đô thị mới An phú An Khánh – Phường An Phú – Quận 2 - TP. Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 028.37404179; Fax: 028.37404966

Khu vực 6: Số 19 Đại lộ Lê Nin - Thành phố Vinh - Tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 0238. 33833511; Fax: 0238. 3849518

Khu vực 3: Lô C1- Đường Trần Hưng Đạo - Phường An Hải Tây - Quận Sơn trà  - Thành phố Đà Nẵng.

Điện thoại: 0236.3933626;  Fax: 0236.3933707

Khu vực 7: Tổ 6 thôn Phú Trạch, Xã Vĩnh Thạnh, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa.

Điện thoại: 0258.3892567; Fax: 0258.3824410.

Khu vực 4: 386A - Đường Cách mạng Tháng Tám - Quận Bình Thủy - TP.Cần Thơ

Điện thoại: 0292.3832760;  Fax: 0292.3887087

Khu vực 8: Phường Dữu Lâu, Thành phố Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ.

Điện thoại: 0210.3840503; Fax: 0210. 3840504.

 


II/ PHẦN HƯỚNG DẪN CHI TIẾT:

Mẫu 1d:

Được dùng để kê khai khi đề nghị cấp mới giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ; gia hạn (không thay đổi nội dung trong giấy phép); ngừng (khi giấy phép còn hiệu lực); bổ sung, thay đổi một số nội dung trong giấy phép đã được cấp đối với thiết bị phát thanh truyền hình.

Số:

Kê khai số ký hiệu công văn của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

Điểm 1.

Viết hoa tên hợp pháp của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.

Điểm 1.1.

Áp dụng đối với tổ chức là cơ quan báo chí, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình:

- Đối với tổ chức là cơ quan báo chí: Ghi số, cơ quan cấp, ngày cấp, thời hạn sử dụng theo Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình đối với nội dung kênh chương trình phát sóng (không áp dụng đối với việc phát lại các chương trình phát thanh, truyền hình của Trung ương);

- Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình: Ghi số, cơ quan cấp, ngày cấp, thời hạn sử dụng theo Giấy phép thiết lập mạng viễn thông cố định mặt đất.

Điểm 1.2.

Áp dụng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình: Ghi số, cơ quan cấp, ngày cấp, thời hạn sử dụng theo Giấy chứng nhận đăng ký danh mục kênh chương trình được phép phát sóng.

Điểm 1.3.

Ghi số tài khoản của tổ chức và ghi tên ngân hàng mà tổ chức mở tài khoản. Đánh dấu “X” vào ô “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý” nếu chấp thuận hoặc không chấp thuận việc chọn hình thức thanh toán phí sử dụng tần số vô tuyến điện và lệ phí cấp giấy phép bằng Uỷ nhiệm thu.

Điểm 1.4.

Ghi địa chỉ liên lạc của tổ chức. Địa chỉ này được sử dụng để liên lạc, giao, nhận giấy phép.

Điểm 1.5.

Chỉ ghi khi địa chỉ này khác với địa chỉ liên lạc. Ghi địa chỉ đặt trụ sở của tổ chức.  Địa chỉ này được sử dụng để ghi trên hóa đơn thu phí sử dụng tần số.

Điểm 1.6.

Ghi số fax/ số điện thoại của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép (ghi cả mã vùng).

Điểm 1.7.

Ghi họ tên của người kê khai (người trực tiếp liên lạc với Cục Tần số về các vấn đề liên quan đến cấp giấy phép), số điện thoại cố định/ di động và địa chỉ email của người kê khai.

Điểm 2.

Tổng hợp thông tin đề nghị:

          - Đánh dấu "X" vào ô "cấp mới" khi tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép mới. Ghi số lượng thiết bị đề nghị cấp giấy phép và số tờ khai của Phụ lục 1 dành cho cấp mới vào chỗ trống. Khai các thông số kỹ thuật, khai thác trong Phụ lục 1 dành cho trường hợp cấp mới.

          - Đánh dấu "X" vào ô "gia hạn" khi tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn giấy phép và ghi rõ số lượng giấy phép và tổng số tờ của Phụ lục 2 vào chỗ trống. Khai các thông số trong Phụ lục 2 dành cho gia hạn. Trường hợp đề nghị gia hạn số lượng ít giấy phép có thể ghi trực tiếp số giấy phép vào chỗ trống của dòng khai dành cho gia hạn, không cần khai trong Phụ lục 2.

          - Đánh dấu "X" vào ô "bổ sung hoặc thay đổi" khi giấy phép sử dụng còn thời hạn mà tổ chức, cá nhân có đề nghị  thay đổi bất kì nội dung nào trong giấy phép (trừ thời hạn sử dụng). Ghi số lượng giấy phép và tổng số tờ khai của Phụ lục 1 dành cho sửa đổi, bổ sung vào chỗ trống. Khai các thông số kỹ thuật, khai thác trong Phụ lục 1 dành cho trường hợp sửa đổi, bổ sung.

          - Đánh dấu "X" vào ô "gia hạn" và ô "bổ sung hoặc thay đổi" khi tổ chức, cá nhân đồng thời đề nghị gia hạn và sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép.

          - Đánh dấu "X" vào ô "Ngừng" khi giấy phép còn thời hạn mà tổ chức, cá nhân có đề nghị  ngừng sử dụng. Ghi số lượng giấy phép đề nghị ngừng sử dụng và tổng số tờ của Phụ lục 3 vào chỗ trống. Trường hợp đề nghị ngừng số lượng ít giấy phép có thể ghi trực tiếp số giấy phép vào chỗ trống của dòng khai dành cho ngừng sử dụng và không cần khai Phụ lục 3.

Điểm 3.

Lựa chọn trả phí toàn bộ: Đánh dấu “X” vào ô “có” hoặc “không” nếu có/ không lựa chọn trả phí cho toàn bộ thời hạn của giấy phép.

Điểm 4.

Ghi các thông tin bổ sung (nếu có).

Phụ lục 1: Thông số kỹ thuật, khai thác

       - Đánh dấu “X” vào ô “cấp mới’ hoặc ô “sửa đổi, bổ sung” nếu tổ chức, cá nhân đề nghị cấp mới hoặc sửa đổi bổ sung nội dung giấy phép tần số vô tuyến điện. Với trường hợp sửa đổi, bổ sung, đề nghị ghi số của giấy phép đề nghị sửa đổi, bổ sung.

       - Kê khai đầy đủ các thông tin vào Phụ lục 1 nếu đề nghị cấp mới. Mỗi thiết bị khai vào một tờ khai. Ghi rõ số  thứ tự của tờ khai và tổng số tờ khai của Phụ lục.

       - Chỉ kê khai các thông số có thay đổi hoặc bổ sung vào Phụ lục 1 khi bổ sung, sửa đổi. Các thông số khác không thay đổi, giữ nguyên  không cần khai báo. Mỗi giấy phép đề nghị sửa đổi, bổ sung khai vào một tờ khai. Ghi rõ số  thứ tự của tờ khai và tổng số tờ khai của Phụ lục.

  1. Loại đài:

          - Đánh dấu "X" vào ô "Phát thanh" nếu bản khai này được dùng để đề nghị cấp giấy phép cho đài phát thanh.

          - Đánh dấu "X" vào ô "Truyền hình" nếu bản khai này được dùng để đề nghị cấp giấy phép cho đài truyền hình.

  1. Loại mạng truyền hình:

          - Đánh dấu "X" vào ô "Đơn tần" nếu bản khai này được dùng để đề nghị cấp giấy phép cho mạng đơn tần.

          - Đánh dấu "X" vào ô "Đa tần" nếu bản khai này được dùng để đề nghị cấp giấy phép cho mạng đa tần.

  1. Địa chỉ đặt thiết bị phát sóng VTĐ: Kê khai tên trụ sở đặt thiết bị; địa chỉ thường trú tại nơi đặt thiết bị (số nhà, đường phố/ thôn xóm, quận (huyện), tỉnh)
  2. Thời hạn đề nghị cấp giấy phép: đánh dấu “X” vào ô thời gian tương ứng hoặc ghi thời hạn sử dụng cụ thể theo đề nghị của tổ chức, cá nhân. Ví dụ: “3 năm 2 tháng” hoặc “từ ngày 27/02/2015 đến ngày 25/04/2016” (ghi theo ngày/tháng/năm).
  3. Mục đích sử dụng:  ghi rõ mục đích sử dụng đề nghị.

          - Đối với truyền hình tương tự: Ghi rõ phát sóng, phát lại chương trình nào,  (ví dụ: phát lại chương trình VTV1 của đài truyền hình Việt Nam; phát lại chương trình TN1 của đài phát thanh - truyền hình Thái Nguyên).

          - Đối với truyền hình số: Ghi rõ gói kênh chương trình có chương trình thiết yếu của trung ương/địa phương hay không có, nêu tên chương trình thiết yếu (ví dụ: Gói kênh có chương trình thiết yếu VTV1, VTV3..)

          - Đối với phát thanh: Ghi rõ phát sóng, phát lại chương trình nào (ví dụ: phát lại chương trình VOV1 của đài tiếng nói Việt Nam).

  1. Danh mục kênh chương trình phát sóng trên kênh tần số đề nghị cấp phép: Kê khai từng kênh chương trình đề nghị phát sóng . Đối với mỗi kênh chương trình: ghi cụ thể tên kênh chương trình, tốc độ bit (tính theo Mbit/s), độ phân giải hình ảnh (ví dụ: SD hoặc HD).
  2. Hô hiệu: Khai hô hiệu hoặc nhận dạng đề nghị sử dụng cho đài phát thanh, truyền hình.
  3. Đặc điểm thiết bị:

      8.1. Tên thiết bị: Kê khai đầy đủ tên thiết bị, gồm cả nhãn hiệu và model của thiết bị.

      8.2. Số giấy chứng nhận hợp quy: Kê khai số giấy chứng nhận hợp quy của thiết bị.

      8.3. Công suất phát (W): Kê khai công suất phát của thiết bị

      8.4. Hệ- tiêu chuẩn: Kê khai hệ tiêu chuẩn và hệ phát màu của đài do thiết kế chế tạo, ví dụ: Hệ Pal D/K, Pal B/G, DVB-T...

      8.5. Băng tần thiết bị phát: Là dải tần số hoặc các kênh tần số mà thiết bị có thể làm việc theo thiết kế chế tạo.

      8.6. Kênh phát đề nghị: Kê khai kênh phát đề nghị được sử dụng và tần số sóng mang tương ứng

      8.7. Giới hạn kênh (MHz): kê khai từ  tần số  giới hạn dưới đến  tần số  giới hạn trên của kênh ví dụ: 478-486MHz;

      8.8. Tần số sóng mang: Kê khai tần số sóng mang tương ứng với kênh phát đề nghị

           - Đối với truyền hình tương tự: Kê khai cả tần số sóng mang hình và tần số sóng mang tiếng. Ví dụ: 175,25 MHz/181,75 MHz.

           - Đối với phát thanh: kê khai tần số sóng mang tiếng.

           - Đối với truyền hình số: kê khai tần số trung tâm.

      8.9. Phương thức phát:

           - Đối với truyền hình tương tự: Kê khai cả hình và tiếng. Ví dụ: 7M25C3F/750KF3E.

           - Đối với phát thanh: chỉ kê khai tiếng. Ví dụ:  180KF3EGN.

           - Đối với truyền hình số: kê khai chung cho cả hình và tiếng. Ví dụ: 8M00D2F

      8.10. Overlapping (MHz): Kê khai rõ chồng lấn bao nhiêu MHz so với tần số kênh chuẩn, ví dụ  Pal D/K, chồng lấn +1,25MHz, -3MHz.

      8.11. Offset (f dòng): Kê khai rõ dịch tần số (offset) hình, tiếng tỷ lệ bao nhiêu so với tần số dòng (ví dụ 1/12 fdòng, 6/12 fdòng...).

  1. Tổn hao fider : Khai tổng  tổn hao của fider (dB) và tổn hao của các connector.
  2. Ăng-ten:

           - Kiểu: Khai tên, ký hiệu và hãng sản xuất của ăng-ten theo Catalog (VD: Dipol, 759101195, Kathrein). Trong trường hợp không khai được đầy đủ như trên thì phải ghi rõ an ten thuộc loại nào (ví dụ: Dipol, dàn chấn tử đồng pha, lồng, chữ V, tháp, v.v...)

           - Hướng tính: Khai ăng-ten có hướng (D) hay vô hướng (ND) bằng cách đánh dấu "X" vào ô cho trước.

           - Hệ số khuyếch đại ăng-ten (dBi): Ghi rõ hệ số khuếch đại của ăng-ten theo đơn vị dBi.

           - Phân cực: Loại phân cực của ăng-ten (ví dụ : thẳng đứng, nằm ngang, phân cực tròn,...)

           - Độ cao ăng-ten (so với mặt đất) (m): là độ cao tính từ đỉnh ăng-ten đến mặt đất (chính là kích thước của ăng-ten và độ cao của cấu trúc đặt ăng-ten) tính theo mét (m).

           - Độ cao địa hình (so với mực nước biển) (m): là độ cao của địa hình nơi đặt ăng-ten (so với mực nước biển).

           - Góc phương vị của hướng bức xạ chính : là góc được tạo bởi đường tâm của búp sóng chính với phương bắc của trái đất theo chiều kim đồng hồ.

           - Vị trí đặt ăng-ten: Ghi độ chính xác của kinh độ, vĩ độ đến giây (")

  1. Vùng phủ sóng : tên các địa phương nằm trong vùng phủ sóng của đài phát thanh hoặc truyền hình đề nghị cấp phép
  2. Giờ hoạt động : kê khai giờ hoạt động đề nghị, nếu hoạt động vào giờ bất kỳ trong ngày thì ghi “Hx”
  3. Giản đồ phát xạ ăng-ten có hướng : đề nghị tổ chức cung cấp giản đồ phát xạ của ăng-ten.
  4. Chỉ áp dụng đối với thiết bị phát thanh và truyền hình số mặt đất:

14.1.  Khoảng bảo vệ (Guard interval): Đối với mạng đơn tần, khai khoảng bảo vệ là: 4(khoảng bảo vệ là 1/4), 8(1/8), 16(1/16), 32(1/32)

14.2.  Số lượng sóng mang (Number of carrier): Đối với mạng đơn tần, khai số lượng sóng mang là 2k hay 8k

14.3.  Chế độ thu (Reception mode) : Khai chế độ thu là: F đối với thu cố định, M đối với thu lưu động; A đối với thu trong nhà và B đối với thu ngoài trời.

14.4.  Kiểu điều chế: Ghi kiểu điều chế của thiết bị (ví dụ:  256-QAM).

14.5.  Tỉ lệ mã: Ghi tỉ lệ mã của thiết bị.

14.6.  Pilot pattern: Ghi mẫu hình tín hiệu Pilot.

15, 16, 17: Chỉ áp dụng cho các thiết bị cần đăng ký quốc tế.

15.1.  Độ rộng băng tần cần thiết: kê khai độ rộng băng tần tối thiểu để đảm bảo chất lượng thông tin.

16.1.  Độ dẫn điện đất: kê khai độ dẫn điện đất theo đơn vị mS/m.

16.2.  Hệ số bảo vệ kênh lân cận: Ghi rõ hệ số bảo vệ kênh lân cận theo đơn vị dB.

16.3.  Tăng ích anten theo các hướng 0, 10, 20, ...3500: áp dụng đối với anten có hướng.

17.1.  Tỷ số công suất hình/tiếng ( Vision/Sound power ratio - dB ): là tỷ số giữa công suất bức xạ hiệu dụng của sóng mang hình với công suất bức xạ hiệu dụng của sóng mang tiếng.

18.     Khai các thông tin bổ sung (Nếu có)

Phụ lục 2: Gia hạn giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện

Mỗi hàng trong phụ lục được ghi cho một hoặc nhiều (nếu các số giấy phép liên tục) giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đề nghị gia hạn. Ghi rõ số giấy phép (hoặc từ số …. đến số ….) đề nghị gia hạn, ngày hết hạn của giấy phép, thời gian gia hạn (gia hạn đến hết ngày, ví dụ: 03/12/2015).

Phụ lục 3: Thông báo ngừng sử dụng tần số và thiết bị  vô tuyến điện

Mỗi hàng trong phụ lục được ghi cho một  hoặc nhiều (nếu các số giấy phép liên tục) giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đề nghị ngừng sử dụng. Ghi rõ số giấy phép (hoặc từ số …. đến số ….) đề nghị ngừng sử dụng, ngày hết hạn của giấy phép, ngày bắt đầu ngừng sử dụng (ví dụ: 03/12/2015).

Người phải kí, ghi rõ họ tên và có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan.