Tuy nhiên, tổng doanh thu cơ sở hạ tầng di động dự kiếnsẽ giảm 4,4% xuống 38,1 tỷ USD vào năm 2020. Báo cáo cũng cho biết, đầu tư của các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) vào cơ sở hạ tầng mạng 5G chiếm 10,4% tổng doanh thu cơ sở hạ tầng di động trong năm 2019. Con số này sẽ tăng lên gần gấp đôi trong năm 2020 với 21,3%.
Ông Kosei Takiishi, Giám đốc nghiên cứu cao cấp tại Gartner nhận định: “Đầu tư vào cơ sở hạ tầng di động tiếp tục tăng trưởng mạnh vì ngày càng nhiều các CSP đang ưu tiên các dự án 5G bằng cách tái sử dụng các tài sản hiện có bao gồm phổ tần số vô tuyến điện, trạm gốc, mạng lõi và mạng truyền tải và chuyển chi tiêu dành cho mạng 4G LTE sang chế độ bảo trì. Ngoài ra, chính phủ và các cơ quan quản lý đang thúc đẩy phát triển mạng di động và cho rằng nó sẽ là chất xúc tác để thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho nhiều ngành công nghiệp”.
Gartner lưu ý rằng, sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các CSP đang khiến tốc độ áp dụng 5G tăng tốc. Các hệ sinh thái mới bao gồm mạng truy cập vô tuyến mở (O-RAN: Open - Radio Access Network) và mạng truy cập vô tuyến được ảo hóa (vRAN: virtualized Radio Access Network) có thể phá vỡ tình trạng các CSP chỉ theo một nhà cung cấp thiết bị duy nhất như hiện nay và thúc đẩy áp dụng 5G bằng cách cung cấp các sản phẩm 5G hiệu quả và linh hoạt trong tương lai. Gartner dự báo rằng, các CSP ở Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan và Hồng Kông), Châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nhật Bản sẽ có vùng phủ sóng 5G trên 95% dân số quốc gia vào năm 2023.
Dự báo đầu tư vào cơ sở hạ tầng di động toàn cầu năm 2019-2020 (triệu USD)
(Nguồn: Gartner tháng 7/2020)
“Mặc dù tốc độ tăng trưởng đầu tư vào 5G thấp hơn một chút trong năm 2020 do cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 (ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản), các CSP ở tất cả các khu vực trên thế giới đang nhanh chóng xoay vòng nguồn vốn mới một cách linh hoạt để xây dựng mạng 5G và xem mạng 5G như là một nền tảng”, ông Kosei Takiishi nhận định.
Sự gián đoạn gây ra bởi Covid-19 đã dẫn đến việc phải điều chỉnh lại dự báo về giá trị thị trường CNTT toàn cầu trong 2020 từ 3,8 nghìn tỷ USD xuống còn 3,5 nghìn tỷ USD, với sự tăng trưởng mạnh nhất là mảng thiết bị và trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng 5G vẫn đang diễn ra mạnh mẽ.
Khi nhu cầu của người tiêu dùng về kết nối băng rộng và di động tốc độ cao tăng lên, các CSP và các nhà cung cấp khác trong lĩnh vực thiết bị mạng đã thực hiện các dự án, trong đó nhiều dự án đã ra mắt vào năm ngoái, để nâng cấp mạng của họ nhằm hỗ trợ công nghệ mạng tiếp theo.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc được xem là quốc gia đi đầu trong việc đầu tư vào mạng 5G, chiếm 49,4% tổng vốn đầu tư trên toàn thế giới vào năm 2020. Cơ sở hạ tầng với chi phí thấp được sản xuất tại Trung Quốc cùng với sự tài trợ của nhà nước và giảm các rào cản pháp lý đang mở đường cho các nhà mạng lớn ở Trung Quốc nhanh chóng xây dựng vùng phủ sóng 5G. Tuy nhiên, các quốc gia đã triển khai sớm mạng 5G và có công nghệ phát triển cũng không bị bỏ lại quá xa, ông Kosei Takiishi cho biết thêm.
Gartner hy vọng rằng đầu tư 5G sẽ tăng trở lại một cách khiêm tốn vào năm tới khi các nhà khai thác tìm cách tận dụng các hành vi thay đổi được tạo ra bởi sự phụ thuộc ngày càng tăng của dân số vào các mạng truyền thông và đầu tư vào mạng 5G sẽ vượt quá đầu tư vào mạng 4G LTE vào năm 2022.
Các CSP sẽ dần dần thay thế các mạng 5G không độc lập bằng các mạng 5G độc lập và Gartner dự đoán vào năm 2023, 15% các CSP trên toàn thế giới sẽ vận hành các mạng 5G độc lập không dựa trên cơ sở hạ tầng của mạng 4G.
Duy Kiên (dịch theo rcrwireless.com và zdnet.com)