Kinh nghiệm triển khai 5G và những đề xuất với doanh nghiệp Việt Nam

01/06/2021

(rfd.gov.vn)- Tốc độ phát triển của 5G đã đi rất nhanh hơn những gì mà các chuyên gia viễn thông có thể dự đoán. Theo Báo cáo mới nhất của GSA (Global mobile Suppliers Asociation - Hiệp hội các nhà cung cấp di dộng toàn cầu), tính đến tháng 12/2020, đã có 64 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai thương mại diện rộng 5G, trong khi nhiều nước khác cũng đang tiến hành triển khai 5G dạng thử nghiệm.

Báo cáo của GSA dự báo rằng mạng 5G sẽ đạt 1 tỷ thuê bao trong 3,5 năm, so với phải mất 4 năm của 4G và thậm chí là 12 năm của 3G. Bắc Mỹ (North America), châu Âu (EU) và Đông Á (East Asia) được coi là những quốc gia đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ 5G. Đầu tư phát triển công nghệ 5G đang được đẩy mạnh tại các quốc gia từ Nam đến Đông Nam Á cũng như các quốc gia khu vực Nam Mỹ.

Kinh nghiệm triển khai 5G trên thế giới

Trong Báo cáo mới nhất của GSA công bố vào 24/3/2021, tính đến hết quý 4/2020, đã có gần 5,95 tỷ thuê bao mạng LTE trên toàn thế giới, tăng thêm 507 triệu thuê bao sau 12 tháng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo thống kê, thuê bao LTE hiện chiếm 62,2% tổng số thuê bao toàn cầu. Cũng theo báo cáo này, thuê bao 5G đã tăng 57% trong quý 4/2020 với mức đạt 401 triệu thuê bao trên phạm vi toàn cầu (chiếm gần 4,19% tổng số thuê bao toàn cầu).

Theo số liệu dự báo của Omdia thì thuê bao di dộng toàn cầu sẽ đạt 10,92 tỷ thuê bao vào năm 2025. Trong đó, LTE sẽ đạt đỉnh về mặt chia sẻ thị trường công nghệ với 64,4% vào cuối năm 2021 và sẽ đạt 6,33 tỷ thuê bao vào cuối năm 2022. Từ năm 2023, thị phần LTE dự báo sẽ giảm dần khi khách hàng dần dần chuyển sang dùng công nghệ 5G. Theo thống kê, trong giai đoạn 2021-2025, thị phần của thị trường đại diện bởi thuê bao GMS sẽ giảm từ 11,7% xuống còn 5% và thị phần của công nghệ W-CDMA sẽ giảm từ 17% xuống còn 10,4%. Vào cuối năm 2025, thuê bao 5G sẽ đạt 31% thị trường toàn cầu (khoảng 3,39 tỷ thuê bao 5G), mặc dù thuê bao LTE vẫn chiếm 53,3% thị phần toàn cầu.

Theo Báo cáo của GSA (3/2021), hiện có 153 DNVT triển khai thương mại 5G tại 64 quốc gia và vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu. Số liệu vào giữa tháng 3/2021 của GSA cho thấy:

+ Có 807 DNVT triển khai thương mại mạng LTE (Dịch vụ băng thông rộng không dây và di động), trong đó có: 421 DNVT đã triển khai dịch vụ không dây cố định LTE, 744 DNVT triển khai đầy đủ các dịch vụ di động LTE; 245 DNVT đã có giấy phép cho các dịch vụ TDLTE, 360 DNVT đã đầu tư vào 1 hoặc 2 công nghệ LTE cấp cao; 212 DNVT đang đầu tư vào các công nghệ LTEAdvanced Pro. Hiện đã có 428 DNVT ở 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư mạnh vào 5G theo các hình thức như kiểm nghiệm, thử nghiệm, khởi tạo, lập kế hoạch và phát triển thực tế trên diện rộng. Trong đó có 153 DNVT tại 64 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai thương mại 5G trên diện rộng và 68 DNVT đã được xác định là đang đầu tư riêng dịch vụ 5G (thử, kiểm nghiệm, khởi tạo, lập kế hoạch và triển khai diện rộng).

Đáng lưu ý, báo cáo của GSA cho thấy có 111 DNVT đã phát triển hoặc triển khai toàn cầu mạng lưới VoLTE. 280 DNVT đầu tư vào VoLTE trong đó 228 DNVT đã triển khai dịch vụ VoLTE. 160 công ty đầu tư vào Nb-IoT trong đó 111 đã triển khai dịch vụ. 71 DNVT đã phát triển/triển khai mạng LTE-M trong đó có 51 đã phát triển và triển khai dịch vụ.

Tốc độ phát triển của 5G đã đi nhanh hơn những gì mà các chuyên gia viễn thông có thể dự đoán. Theo Báo cáo mới nhất của GSA (Global mobile Suppliers Asociation - Hiệp hội các nhà cung cấp di dộng toàn cầu), tính đến tháng 12/2020, đã có 64 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai thương mại diện rộng 5G, trong khi nhiều nước khác cũng đang tiến hành triển khai 5G dạng thử nghiệm. Báo cáo của GSA dự báo rằng mạng 5G sẽ đạt 1 tỷ thuê bao trong 3,5 năm, so với phải mất 4 năm của 4G và thậm chí là 12 năm của 3G. Bắc Mỹ (North America), Châu Âu (EU) và Đông Á (East Asia) được coi là những quốc gia đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ 5G. Đầu tư phát triển công nghệ 5G đang được đẩy mạnh tại các quốc gia từ Nam đến Đông Nam Á cũng như các quốc gia khu vực Nam Mỹ.

Hàn Quốc được xem như là bài học thành công nhất về phát triển mạng 5G và quốc gia này chắc chắn sẽ dẫn đầu trong việc triển khai 5G và các công nghệ sau đó. Theo tính toán, vào năm 2025 khoảng 60% các thuê bao tại Hàn Quốc sẽ sử dụng mạng 5G. Hàn Quốc cũng đi đầu về tốc độ 5G khi gần đây họ đang trên đường đuổi kịp Saudi Arabia theo một báo cáo của Open Signal.

Cũng theo Báo cáo mới nhất của GSA công bố vào đầu tháng 3/2021, số lượng các thiết bị đầu cuối tương thích với 5G tiếp tục tăng và vượt hơn 600 thiết bị và hiện có 628 thiết bị 5G (tăng 21% so với 3 tháng qua). Số lượng các thiết bị 5G có thể thương mại hóa là hơn 400 thiết bị (tăng 33.3% so với 3 tháng qua, và chiếm 64,3% các thiết bị 5G đã được thông báo).

Hình 1: Tốc độ phát triển 5G trên thế giới.

Úc:

Kinh nghiệm khai thác 5G từ Úc cho thấy cách các nhà mạng lớn nhất tại Úc (Telstra, Vodafone, Optus) cho thấy cách thức họ triển khai 5G cũng tương tự như mô hình thành công của các nhà mạng trên thế giới, cũng bắt đầu đi từ các Trung tâm thành phố, Khu vực thương mại hay những nơi có nhu cầu mạng tốc độ cao phục vụ công việc, trung tâm du lịch lớn… được ưu tiên triển khai 5G trước. Sau đó mở rộng đến các khu vực dân trí cao, đời sống cao. Tiếp theo là cuộc chạy đua giữa các nhà mạng về việc phổ biến 5G đến khách hàng thông qua việc giới thiệu các gói cước 5G tượng tự như 4G hay 4,5G với tốc độ vượt trội với thời gian dùng thử nghiệm 5G miễn phí từ 12-18 tháng để khách hàng làm quen với 5G với giá cước không thay đổi so với 4G (xem hình 2). Cũng với đó là việc tìm kiếm các thiết bị tương thích với 5G để giới thiệu đến khách hàng từ các nhà sản xuất điện thoại nổi tiếng trên thế giới như Samsung, Apple, các nhà sản xuất đến từ Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Huawei…

Có thể nói, chính yếu tố thiết bị đầu cuối càng nhiều, giá thành hạ và những trải nghiệm tốc độ vượt trội, chính sách dùng quá lưu lượng tốc độ cao (5G) thì đường truyền thu hẹp băng thông xuống mức 2mbps/s mà khách hàng không phải trả thêm khoản phí phụ trội nào khiến cho khách hàng Úc cảm thấy hài lòng mà tích cực tìm thông tin về vùng phủ sóng 5G và đầu tư hẳn các thiết bị đầu cuối 5G mà không đợi đến khi có vùng phủ sóng rồi mới mua/đầu tư nâng cấp thiết bị.

Hình 2: So sánh các gói cước 5G đi kèm điện thoại được các nhà mạng Úc đang triển khai

Telstra là nhà mạng đi đầu tại Úc khi triển khai 5G với việc hiện đã phủ sóng hơn 50% dân số Úc và đang trên mục tiêu phủ sóng lên đến 75% vào giữa năm 2021. Telstra cũng là nhà mạng có nhiều thiết bị tương thích với 5G nhất khi có các sản phẩm mới nhất tương thích 5G của Iphone và dòng sản phẩm của gia đình Samsung với nổi bật là Flagship Galaxy S21.

Optus cũng đang trên đường đẩy mạnh việc triển khai 5G tại các tiểu bang New South Wales, Victoria, South Australia, Queensland, vùng Thủ đô Úc (the Australian Capital Territory), Western Australia, và Tasmania. Optus hiện có hơn 1.000 trạm phát 5G với phạm vi phủ sóng đến hơn 700.000 hộ gia đình tại các nơi này. Một trong những mũi nhọn mà Optus đang tập trung vào là mạng 5G băng rộng gia đình trên nền tảng hệ thống Băng thông rộng Quốc gia (NBN). Khách hàng của Optus có thể chọn gói cước $75/tháng để có tốc độ 100Mbps, hoặc $90/tháng có tốc độ không giới hạn, Fetch Tv và các kênh của Optus thể thao không giới hạn Data. Trong các thử nghiệm của Optus và bên thứ 3, tốc độ không giới hạn này đo được đạt đến 300Mbps.

Vodafone là mạng chuyển sang 5G muộn nhất tại Úc khi mà sang tháng 3/2021 mới bắt đầu triển khai 5G với việc thiết lập hơn 1.200 trạm phát sóng cả nước. Mục tiêu của Vodafone là phủ sóng 5G đến hơn 85% dân số của 6 thành phố lớn nhất Úc là Sydney, Melbourne, Brisbane, Adelaide, Perth, và thủ đô Canberra vào cuối năm 2021.

Trung Quốc:

Theo số liệu của Bộ Công nghiệp và Thông tin (MOFCOM) cho thấy Trung Quốc đã xây dựng 580.000 trạm thu phát 5G vào năm 2020 trong khuôn khổ chương trình phát triển cơ sở hạ tầng mới. Như vậy, tất cả các đô thị cấp huyện đều được bao phủ bằng mạng 5G. Trong năm 2021, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng thêm 600.000 trạm gốc. Trung Quốc đã vượt lên dẫn trước về quy mô và tốc độ triển khai với việc số lượng người dùng 5G đã vượt quá 110 triệu người (9/2020) trong khi Hàn Quốc chỉ có gần 10 triệu thuê bao 5G (10/2020).

Bài học thành công của Trung Quốc khi triển khai 5G đi trước các nước khác là: (i) Năng lực công nghệ tích lũy của các công ty viễn thông Trung Quốc góp phần vào việc này. Huawei vẫn là công ty dẫn đầu thế giới về tổng số bằng sáng chế 5G, vượt xa các đối thủ cạnh tranh châu Âu là Ericsson và Nokia.

Nhìn chung, Trung Quốc chiếm hơn một phần ba tổng số bằng sáng chế và giải pháp công nghệ truyền thông 5G quan trọng. Huawei đã ký hơn 90 hợp đồng thương mại khắp thế giới để xây dựng mạng 5G. (ii) Chính sách có mục tiêu của chính phủ nhằm kích thích đổi mới và xây dựng cái gọi là "cơ sở hạ tầng mới". Sự phát triển của các sáng kiến và cơ sở hạ tầng được phản ánh trong kế hoạch 5 năm do ban lãnh đạo Trung Quốc xây dựng cho đến năm 2025. Cơ sở hạ tầng mới bao gồm mạng 5G, trạm sạc cho xe điện và trung tâm dữ liệu. 

Chính quyền Trung Quốc đặt nhiều hy vọng vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng mới, những đổi mới của chính họ và quá trình kỹ thuật số hóa để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững trong trung và dài hạn. Tất cả là do hiệu ứng cấp số nhân của việc số hóa. Theo tính toán của Oxford Economics, mỗi đô la đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số có thể tạo ra 20 đô la GDP. Các chuyên gia đánh giá rằng 5G là một khái niệm rất lớn sẽ tác động đến toàn bộ cuộc sống công nghiệp trong vòng 5-10 năm tới.

Ví dụ, các dịch vụ truyền thông quan trọng và công nghệ xe tự hành phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng 5G. Do đó, các mạng 5G sẽ thâm nhập vào toàn bộ hệ thống công nghiệp rất sâu và rộng, giống như ở thời của cung cấp nước và điện. Đồng thời, là một phần của cơ sở hạ tầng mới, sự phát triển của 5G có thể có tác động lớn đến lợi ích kinh tế. Trong 3 nhà mạng (China Telecom, China Mobile, China Unicom) triển khai 5G thì China Telecom đang vượt trội khi đã giành được 37,84 triệu khách hàng cho gói 5G tính đến cuối tháng 6/2020, tương đương 11% tổng số khách hàng di động của mình. Nhưng khách hàng sử dụng gói 5G không nhất thiết phải sử dụng thiết bị 5G.

Với việc tất cả các hãng viễn thông lớn của Trung Quốc giảm giá gói 5G trong vài tháng qua, rất có thể khách hàng đang bị thu hút bởi mức giá hấp dẫn hơn là mong muốn có được phần cứng mới nhất và các khả năng liên quan của nó. Các hãng viễn thông tung ra các gói giá 5G chi phí thấp hơn ví dụ gói rẻ nhất trên thị trường là 69 nhân dân tệ (tương đương 10 USD) bởi China Mobile và họ hiện có 70,2 triệu khách hàng sử dụng gói 5G vào 6/2020 bên cạnh việc khuyến khích khách hàng đăng ký gói 5G với thiết bị 5G nhưng không chia nhỏ số liệu. Ba công ty viễn thông Trung Quốc đang triển khai các trạm gốc 5G với tốc độ đáng kinh ngạc, ví dụ China Telecom đã báo cáo có 210.000 trạm gốc 5G được sử dụng vào cuối tháng 6 vừa qua, đã đưa vào hoạt động 150.000 trạm gốc 5G trong vòng 6 tháng.

Hoa Kỳ:

Hoa Kỳ đang tụt hậu so với Trung Quốc trong việc triển khai mạng 5G chủ yếu là do nguyên nhân bên trong nước: (i) Một phổ tần số duy nhất để xây dựng mạng 5G vẫn chưa được xác định; (ii) Nảy sinh những khó khăn nhất định trong việc xây dựng các trạm thu phát 5G, vì chủ sở hữu tư nhân của các tòa nhà và công trình, chủ sở hữu đất đai, v.v. không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho phép lắp đặt trên lãnh thổ của mình; (iii) Hoa Kỳ không có nhà sản xuất thiết bị viễn thông của riêng mình cho dù chính quyền (của cựu Tổng thống Trump) bày tỏ ý định mua các nhà sản xuất thiết bị viễn thông của châu Âu, ví dụ như Ericsson hay Nokia, để đối đầu với Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ý tưởng này vẫn chưa được thực hiện. Mặt khác, Hoa Kỳ có một lợi thế công nghệ quan trọng khi mà nước này chiếm vị trí gần như độc quyền trên thị trường thế giới về sản xuất chip và vi mạch được sử dụng trong các trạm 5G. Hoa Kỳ cũng tích cực sử dụng lợi thế này để gây áp lực lên các công ty công nghệ Trung Quốc, áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với họ. 

Theo công ty theo dõi thị trường Canalys, Apple chỉ mới tung ra thiết bị hỗ trợ 5G đầu tiên và người tiêu dùng Mỹ chỉ có 16 mẫu điện thoại thông minh 5G để lựa chọn tính đến tháng 9/2020. Người dùng Trung Quốc thì có 86 mẫu. Ở Trung Quốc, điện thoại 5G cũng rẻ hơn, với giá trung bình 458 USD trong quý II/2020, so với 1.079 USD ở Mỹ.

Những đề xuất cho DNVT Việt Nam khi triển khai 5G

Tại Việt Nam, từ cuối năm 2020, 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đã được cấp phép và triển khai thử nghiệm thương mại 5G tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. Việc thử nghiệm 5G là cơ hội để các nhà mạng có thể xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp, dự kiến mức giá cả, chi phí sử dụng tài nguyên trước khi mạng di động 5G chính thức được cấp phép. Việt Nam thuộc top những quốc gia đi đầu trên thế giới về việc triển khai mạng 5G. Do vẫn còn đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, mạng 5G thương mại hiện mới chỉ được triển khai tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Cụ thể như sau:

Viettel: Nhà mạng Viettel được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm thương mại 5G tại Hà Nội. Phạm vi phủ sóng thử nghiệm 5G của Viettel bao gồm các tuyến phố chính thuộc địa bàn 3 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình. Tổng cộng sẽ có 100 trạm thu phát sóng 5G được Viettel triển khai tại khu vực thử nghiệm. Trong đó, có 15 trạm 5G là sản phẩm Make in Vietnam và 85 trạm của Ericsson (Thụy Điển).

VNPT-VinaPhone: Đây là nhà mạng được cấp phép thử nghiệm thương mại mạng 5G tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội: Vùng phủ sóng 5G của VinaPhone tại Hà Nội sẽ bao gồm các tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng với các địa điểm quen thuộc như khu vực xung quanh Hồ Gươm, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, phố Tràng Tiền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung,... Tại TP.HCM: Vùng phủ sóng của mạng VinaPhone là tại Quận 1 (khu vực vườn hoa Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, nhà thờ Đức Bà, đường Đồng Khởi,...) và Quận 3 (đường Paster, Hồ con Rùa, Nhà văn hóa Thanh Niên,…)

MobiFone: Nhà mạng MobiFone được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm thương mại 5G ở khu vực TP.HCM. Theo giấy phép này, MobiFone sẽ triển khai thử nghiệm thương mại 5G tại Quận 1. Nhà mạng này đã hoàn thành xong khâu lắp đặt khoảng 50 trạm 5G. Người dùng MobiFone hiện có thể truy cập mạng 5G tại số 80 Nguyễn Du (phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM) và một vài tuyến phố quanh khu vực nhà thờ Đức Bà. Trong thời gian tới, nhà mạng này sẽ triển khai thử nghiệm mạng 5G tại các khu vực khác của Quận 1.

Báo cáo của các nhà mạng sau quá trình thử nghiệm thương mại sẽ là tiền đề quan trọng để Bộ TT&TT hoàn thiện các cơ sở pháp lý về việc triển khai mạng di động 5G. Bộ TT&TT cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phủ sóng mạng di động 5G trên phạm vi toàn quốc. 5G được kỳ vọng sẽ mang đến những trải nghiệm Internet siêu tốc cho người dùng di động. Với tốc độ truy cập siêu nhanh, độ trễ siêu thấp, công nghệ này cũng chính là lời giải cho việc phát triển đô thị thông minh, nhà máy thông minh thông qua IoT, bài toán xe tự hành và các ca mổ phức tạp được thực hiện từ xa. Việc triển khai 5G sớm sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những nước tiên phong ứng dụng công nghệ 5G. Đây sẽ trở thành động lực quan trọng để phát triển, ứng dụng các công nghệ mới, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số.

Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, khi triển khai 5G thương mại tại Việt Nam, các DNVT phải giải được các bài toán sau đây nếu như muốn thành công:

Thứ nhất, chuẩn bị là cơ sở hạ tầng: Khi triển khai xây dựng mạng 5G, hầu hết trạm di động hiện nay đều đã được lắp đặt rất nhiều thiết bị 2G, 3G, 4G nên không đủ không gian lắp đặt 5G và các hạ tầng, như nguồn điện, anten cần nâng cấp để đáp ứng yêu cầu cho mạng 5G. Do đó sẽ phát sinh chi phí lớn khiến cho vốn đầu tư của các DNVT tăng cao nên phải có sự chuẩn bị tốt cả về vốn và tiềm lực.

Thứ hai, thời gian triển khai cung cấp dịch vụ: Thị trường viễn thông là thị trường "đóng". Các nhà mạng cung cấp dịch vụ sớm sẽ chiếm được thị phần lớn hơn. Nhà mạng ra sau sẽ thiệt thòi hơn và dễ mất thị phần. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến thời gian triển khai cung cấp dịch vụ. Do đó, các nhà mạng nên lựa chọn chiến lược phù hợp để rút ngắn thời gian đưa dịch vụ ra thị trường. 

Theo đánh giá của các DNVT Việt Nam, phải tới năm 2023 - 2025 thì 5G mới phổ biến được như 4G, bởi độ phủ của 5G vẫn còn rất hạn hẹp, cần xây dựng thêm nhiều trạm phát sóng nữa mới đảm bảo kết nối. 5G bước đầu sẽ được triển khai ở khu vực phát triển, có mật độ dân số cao như các thành phố lớn, hoặc tại các khu công nghiệp công nghệ cao. Sau đó, 5G sẽ tiếp tục mở rộng tới những vùng nông thôn, giúp khách hàng có trải nghiệm sử dụng Internet không dây tốc độ cao mà không cần sợi cáp quang nào kéo đến nhà. Ví dụ: Theo số liệu quy hoạch trên mạng lưới của Viettel, dự kiến vào năm 2021 sẽ có khoảng 1,5 - 2 triệu thuê bao 5G trên cả nước. Việc triển khai sớm 5G không chỉ tạo điều kiện tốt cho các nhà mạng, mà còn tốt cho toàn xã hội.

Thứ ba, việc tối ưu hóa chi phí: Chi phí thiết bị mạng 5G vốn cao và đòi hỏi triển khai số lượng trạm lớn, do đó chi phí đầu tư, như thiết bị và vận hành mạng, sẽ rất lớn. Vì vậy các nhà mạng sẽ phải tối ưu chi phí đó để tăng hiệu quả đầu tư. Theo đánh giá, các nhà mạng Việt Nam hiện sử dụng hầu hết là mạng trong nhà (indoor), làm phát sinh nhiều chi phí, như xây dựng, mua sắm thiết bị nhà trạm, phí thuê địa điểm, điện cho hệ thống điều hòa làm mát của nhà trạm… Biện pháp tối ưu là chuyển sang giải pháp ngoài trời, bởi những thiết bị treo trực tiếp trên cột sẽ không cần xây dựng nhà trạm, giảm chi phí điều hòa.

Theo ước tính của Huawei, với một mạng lưới 30.000 trạm, giải pháp outdoor có thể giúp các nhà mạng Việt Nam tiết kiệm được chi phí vận hành là 133 triệu USD/năm. Các ứng dụng 5G hiện được triển khai trong hơn 20 ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và hậu cần. Ở Trung Quốc, ứng dụng công nghiệp 5G đã chứng tỏ giá trị trong khai thác than, luyện thép và sản xuất, giúp sản xuất an toàn hơn, thông minh hơn và hiệu quả hơn.

Thứ tư, trải nghiệm người dùng: Khi chuyển sang mạng 5G, người dùng yêu cầu tốc độ cao, chi phí thấp, nên đây cũng là thách thức của các nhà mạng để đảm bảo yêu cầu về trải nghiệm người dùng tốt nhất, tăng tính cạnh tranh. Các nhà mạng đều cho biết người dùng sẽ không phải đổi SIM 5G mà giống như khi nâng cấp từ 3G lên 4G, mà chỉ cần dùng SIM 4G - LTE sẵn có là đã đủ điều kiện truy cập mạng, điều kiện còn lại là máy điện thoại phải có hỗ trợ 5G. Ngoài ra, các mạng cũng cùng quan điểm trước nội dung về giá cước 5G, rằng hiện nay phải tuân thủ quy định chung. Nhưng các gói cước và cách tính cước cơ bản dựa trên nền tảng của dữ liệu 4G.

Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên trên thị trường giúp Việt Nam bắt kịp những nước đi đầu về 5G trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Với các công nghệ 3G và 4G thì Việt Nam triển khai sau thế giới, nhưng với 5G Việt Nam đang trong nhóm những nước đi đầu. Đi sau các nước về công nghệ 3G và 4G, Việt Nam có được những bài học kinh nghiệm của các nhà mạng đã triển khai trước đó. Còn với 5G chúng ta đi đầu nên bắt buộc phải tìm ra hướng đi cho mình. Những kinh nghiệm từ việc triển khai 5G thành công tại Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Trung Quốc… sẽ là những bài học kinh nghiệm quý cho các DNVT Việt Nam học hỏi khi triển khai thương mại 5G tại Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy, việc làm chủ thiết bị 5G như Viettel, Vingroup, VNPT... có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G. Hạ tầng viễn thông đang có sự chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng tần số làm nền tảng nền kinh tế, trở thành hạ tầng nền tảng quốc gia quan trọng. Triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số. Đây là một bước tiến quan trọng để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng.

TS. Lê Minh Toàn - TS. Dương Hải Hà

(Nguồn: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông)