Trước đó, vào tháng 4 năm 2019, Bộ Nội vụ, Thông tin và Truyền thông Nhật Bản đã tổ chức thi tuyển để phân bổ phổ tần số 5G cho các nhà khai thác di động của Nhật Bản (bao gồm NTT Docomo, KDDI Softbank và Rakuten Mobile) để triển khai mạng 5G.
Theo đó, NTT Docomo được phân bổ 100 MHz trong băng tần 3,7 GHz (3,6 – 3,7 GHz); 100 MHz trong băng tần 4,5 GHz (4,5 – 4,6 GHz) và 400 MHz trong băng tần 28 GHz (27,4-27,8 GHz). Tương tự, nhà mạng KDDI cũng được phân bổ 100 MHz trong băng tần 3,7 GHz (3,7 – 3,8 GHz); 100 MHz trong băng tần 4,0 – 4,1 GHz và 400 MHz trong băng tần 28 GHz (27,8 -28,2 GHz).
Trong khi 2 nhà mạng còn lại là SoftBank và Rakuten Mobile chỉ nhận được phổ tần số ở 2 băng tần 3,7 GHz và 28 GHz. Cụ thể: SoftBank nhận được 100 MHz ở băng tần 3,9-4,0 GHz và 400 MHz ở băng tần 28 GHz (29,1-29,5 GHz) còn Rakuten Mobile nhận được 100 MHz ở băng tần 3,8-3,9 GHz và 400 MHz ở băng tần 28 GHz (27,0-27,4 GHz).
Dự kiến, trong những năm tới, bốn nhà mạng di động của Nhật Bản sẽ chi hơn 14,5 tỷ USD để đầu tư vào việc triển khai 5G, bao gồm đầu tư vào các trạm gốc, máy chủ và tuyến truyền dẫn cáp quang.
NTT Docomo
Nhà mạng lâu đời nhất của Nhật Bản, NTT DoCoMo, bắt đầu nghiên cứu 5G vào năm 2010 và chính thức ra mắt dịch vụ thương mại tại Nhật Bản vào tháng 3 năm 2020, với tốc độ dữ liệu tối đa ban đầu là 3,4 Gbps. Vào thời điểm ra mắt, nhà mạng cho biết vùng phủ sóng của họ bao gồm khoảng 150 địa điểm trên toàn quốc và đến tháng 3 năm nay, hơn 500 thành phố dự kiến sẽ có quyền truy cập vào mạng 5G.
NTT DoCoMo có kế hoạch đầu tư hơn 7 tỷ USD để mở rộng vùng phủ sóng cho hơn 90% khu vực đông dân của cả nước vào năm 2025, cũng như lắp đặt hơn 8.000 trạm gốc ở băng tần 3,7 GHz và 4,5 GHz và hơn 5.000 trạm gốc ở băng tần 28 GHz.
Ngay từ năm 2017, nhà mạng này đã hợp tác với nhà cung cấp thiết bị viễn thông Ericsson của Thụy Điển để thử nghiệm lần đầu tiên trên thế giới công nghệ tạo ra nhiều mạng ảo bằng một mạng 5G vật lý duy nhất (network slicing).
Vào tháng 8 năm 2020, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của NTT DoCoMo – ông Kazuhiro Yoshizawa cho biết, nhà mạng đã có tổng số 240.000 thuê bao trong phân khúc 5G và nhắm mục tiêu đạt 2,4 triệu thuê bao 5G vào cuối tháng 3 năm 2021.
Nhà mạng này dự kiến sẽ có 10.000 trạm gốc 5G vào tháng 6 năm 2021 và 20.000 trạm gốc 5G vào tháng 3 năm 2022.
KDDI
KDDI là nhà mạng di động thứ hai tại Nhật Bản triển khai dịch vụ thương mại 5G vào tháng 3 năm 2020, chỉ sau nhà mạng NTT DoCoMo. Giai đoạn đầu nhà mạng này chỉ phủ sóng 5G ở một số khu vực hạn chế của Nhật Bản, tuy nhiên theo kế hoạch đặt ra thì đến năm 2025, KDDI sẽ đầu tư hơn 4 tỷ USD để mở rộng phạm vi phủ sóng của mình đến khoảng hơn 90% các khu vực đông dân của đất nước, cũng như lắp đặt 30.107 trạm gốc 5G ở băng tần 3,7 GHz và 4,5 GHz và 12.756 trạm gốc 5G ở băng tần 28 GHz.
Nhà mạng này cũng đã lựa chọn mạng lõi 5G của Ericsson để triển khai các dịch vụ 5G dựa trên kiến trúc độc lập sau nhiều năm hợp tác với nhà cung cấp Thụy Điển trong lĩnh vực 5G. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động đến việc triển khai mạng lưới cũng như thu hút lượng thuê bao 5G của KDDI trong thời gian qua.
SoftBank
SoftBank là nhà mạng di động thứ 3 của Nhật Bản triển khai thương mại 5G vào ngày 27 tháng 3 năm 2020, chỉ sau NTT DoCoMo và KDDI. Theo dự kiến thì SoftBank sẽ đầu tư hơn 1,8 tỷ USD để mở rộng mạng lưới của mình nhằm phủ sóng 5G cho khoảng 64% các khu vực đông dân của Nhật Bản vào năm 2025 và lắp đặt 7.355 trạm gốc 5G ở băng tần 3,7 GHz và 4,5 GHz và 3.855 trạm gốc 5G ở băng tần 28 GHz.
Để triển khai mạng 5G của mình, SoftBank đã chọn Ericsson và Nokia làm đối tác cung cấp thiết bị cho mạng 5G. Trong đó, Ericsson chịu trách nhiệm thực hiện việc thử nghiệm 5G trên nhiều băng tần, bao gồm băng 28 GHz và 4,5 GHz còn Nokia chịu trách nhiệm cung cấp giải pháp trạm gốc 5G AirScale cho nhà mạng.
Đặc biệt, SoftBank và đối thủ KDDI đã hợp tác để thành lập một liên doanh để thúc đẩy việc triển khai 5G ở các vùng nông thôn trên khắp Nhật Bản. Liên doanh có tên là 5G JAPAN Corporation (5G JAPAN), dựa trên một thỏa thuận trước đó được hai nhà mạng công bố vào tháng 7 năm 2019.
Liên doanh 5G JAPAN sẽ thúc đẩy chia sẻ cơ sở hạ tầng dựa trên việc sử dụng chung các trạm gốc 5G do SoftBank và KDDI lắp đặt nhằm đẩy nhanh việc triển khai mạng 5G ở vùng nông thôn Nhật Bản, cũng như tiến hành công việc thiết kế, xây dựng và quản lý các trạm gốc 5G.
Rakuten Mobile
Đây cũng là nhà mạng di động triển khai 5G thương mại muộn nhất ở Nhật Bản, Rakuten Mobile đã chính thức ra mắt dịch vụ 5G tại các khu vực của 6 tỉnh ở Nhật Bản vào tháng 9 năm 2020, muộn hơn kế hoạch ban đầu 3 tháng do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Cùng lúc với việc ra mắt 5G, công ty cũng đã công bố một mẫu điện thoại thông minh Rakuten 5G mới hỗ trợ cả phổ tần dưới 6 GHz và phổ tần sóng milimet (mmWave). Theo kế hoạch đặt ra, Rakuten Mobile sẽ đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD để mở rộng vùng phủ sóng 5G và mục tiêu sẽ phủ sóng 56% dân số vào năm 2025.
Rakuten Mobile tuyên bố đã ra mắt mạng di động ảo hóa hoàn toàn đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ phần mềm và đám mây với chi phí thấp hơn và cập nhật hơn. Điều này, theo nhà mạng, cho phép họ cung cấp các dịch vụ giá cả phải chăng hơn cho người dùng bằng cách giảm đầu tư vốn và chi phí vận hành. Trên thực tế, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Rakuten Mobile – ông Mickey Mikitani cho biết dịch vụ 5G của Rakuten rẻ hơn 71% so với các đối thủ.
Rakuten đang cung cấp dịch vụ 5G, được gọi là Rakuten Un-Limit V, cũng như dịch vụ 4G miễn phí trong một năm cho 3 triệu người đăng ký đầu tiên. Tính đến đầu tháng 2 năm 2021, nhà mạng này đã thu hút được 2,5 triệu khách hàng đăng ký dịch vụ.
Thực hiện kế hoạch phát triển mạng trong thời gian tới, ông Mikitani cho biết, Rakuten Mobile có thể sẽ đạt được vùng phủ sóng toàn quốc vào giữa năm 2021 và dự định ra mắt mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập vào quý 2 năm nay.