Tôi đã vinh dự là người Việt Nam được bầu vào Ủy ban thể lệ thông tin vô tuyến. Vai trò chức năng của Ủy ban được quy định trong Công ước Viễn thông Quốc tế. Cụ thể, Ủy ban này có nhiệm vụ ban hành các quy trình giải quyết việc đăng ký, sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh chưa được quy định chi tiết trong Thể lệ vô tuyến điện để Cục Vô tuyến của Liên minh Viễn thông Quốc tế thực hiện. Ủy ban này cũng là cơ quan có quyền xem xét và giải quyết tranh chấp, khiếu nại của các nước về sử dụng tần số vô tuyến vệ tinh, kể cả khiếu nại của các nước về kết quả xử lý của ITU. Ví dụ như nước A đã đăng ký vệ tinh và tuyên bố đưa vào sử dụng, nhưng nước B lại phát hiện ra nước A chưa từng đưa vào sử dụng và họ kiện ITU. Lúc đấy người giải quyết là Ủy ban thể lệ thông tin vô tuyến. Sau đó Ủy ban sẽ đưa ra phán quyết là hủy hay không hủy hồ sơ đăng ký.
Ủy ban thể lệ thông tin vô tuyến có 12 người, được Đại hội toàn quyền của ITU bầu trực tiếp bằng bỏ phiếu kín.
Có bao nhiêu quốc gia ứng cử vào vị trí này? Việt Nam đã phải nỗ lực ra sao để có thể trúng cử?
Vì vai trò và chức năng đặc biệt quan trọng của Ủy ban nên hầu như nước nào cũng mong muốn có ghế trong tổ chức này, quan trọng là có người đủ tiêu chuẩn phù hợp để đề cử hay không. Tại Đại hội toàn quyền 2014 có khá nhiều quốc gia đề cử ứng cử viên. Khu vực châu Á và châu Úc được phân bổ 3 ghế nhưng có đến 6 ứng cử viên do Nhật Bản, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập, Ấn Độ, Iran, Việt Nam và Indonesia đề cử. Cuối cùng 3 thành viên trúng cử là từ Nhật, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập và Việt Nam.
Sự kiện ứng cử viên Việt Nam được bầu vào Ủy ban đã thể hiện uy tín của Việt Nam trong tổ chức quốc tế quan trọng này, thể hiện sự đánh giá cao của quốc tế và sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về chuyên môn của Việt Nam trong lĩnh vực thông tin vô tuyến.
Quá trình vận động để được ứng cử vào Ủy ban không phải đến thời điểm này chúng ta mới thực hiện, mà từ lâu Việt Nam đã xác định phải cử người tham gia vào các cơ cấu hoạt động của ITU, đặc biệt là RRB. Nhưng đến giờ chúng ta mới hiện thực hóa được quyết tâm đó. Cục Tần số vô tuyến điện đã vận động và giới thiệu người vào làm việc tại ITU nhưng dưới tư cách được tuyển dụng. Còn đây lần đầu tiên Việt Nam nhận một vị trí quan trọng của ITU thông qua bầu cử, đó là thành viên Ủy ban thể lệ Vô tuyến.
Để đạt được điều đó chúng tôi đã tham gia nhiều hoạt động của ITU, các tổ chức quốc tế và khu vực về thông tin vô tuyến. Phải trực tiếp làm chủ tọa, diễn thuyết hoặc tham gia các hội nghị, diễn đàn, các nhóm nghiên cứu trong ITU, Tổ chức Viễn thông Châu Á Thái Bình Dương hoặc ASEAN. Từ tháng 10/2013, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện chiến dịch vận động bầu cử. Bộ trưởng Bộ TT&TT đã cử tôi tham gia, trình bày, phát biểu ở hàng chục hội nghị quốc tế, như Hội nghị Bộ trưởng bàn tròn ở Băng Cốc, Hội nghị Phát triển Viễn thông thế giới tháng 4/2014 ở Dubai, tham gia Hội nghị cấp Bộ trưởng ở Brunei, diễn đàn về thông tin vệ tinh của ITU, Hội nghị về quản lý tần số băng rộng ở Seoul, diễn đàn ASEAN - EU về quản lý tần số… Việc tham gia vào các hội nghị thể hiện vai trò tích cực và kinh nghiệm của ứng cử viên Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ngoài Bộ TT&TT, Bộ Ngoại giao cũng thực hiện vận động chính thức qua con đường ngoại giao, đó là giới thiệu ứng cử, gửi công hàm đến tất cả các nước có sứ quán tại Hà Nội, tại Gênva, gửi thư cho các Bộ trưởng Viễn thông của các nước, gặp gỡ song phương với hàng chục nước tại các hội nghị quốc tế để vận động. Đặc biệt, tại Đại hội ở Busan, đoàn đại biểu của Việt Nam đã tổ chức vận động rất hiệu
Khi ông trúng cử nghĩa là sẽ phải dành nhiều thời gian làm việc cho ITU và có thêm áp lực cho vị trí công việc mới?
12 thành viên của Ủy ban Vô tuyến của ITU làm theo chế độ kiêm nhiệm. Tôi sẽ phải thường xuyên xem xét những đề xuất, kiến nghị, khiếu nại của các nước về thể lệ quốc tế, về can nhiễu để trực tiếp thảo luận tại các hội nghị và ra quyết định giải quyết. Ngoài các công việc tham gia trực tiếp tại trụ sở của ITU 3 đến 4 lần mỗi năm, tôi phải thường xuyên nghiên cứu theo dõi các văn kiện để trực tiếp tham gia ý kiến cùng Hội đồng, Ủy ban đưa ra những quyết định chính xác nhất.
Tôi xác định dù ở vị trí nào cũng phải chấp nhận áp lực, đặc biệt như vị trí trong Ủy ban Tần số của ITU vì phải nắm chắc hơn, chi tiết hơn về văn bản Thể lệ vô tuyến để khi đưa ra ý kiến ủng hộ hay không ủng hộ thì phải rất kỹ, rất sâu.
Việc ông tham gia vào Ủy ban Vô tuyến của ITU có thuận lợi như thế nào đối với Việt Nam?
Rõ ràng Việt Nam có thành viên trong Ủy ban Vô tuyến của ITU là nhằm mục đích tham gia xây dựng luật chơi ở mức cao hơn. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể trực tiếp bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình tại ITU. Ngoài công việc của Ủy ban thì đương nhiên tôi sẽ có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia, với đại diện của các nước và học hỏi về quản lý tần số, đấu tranh bảo vệ quyền lợi liên quan đến tần số, từ đấy góp ý với hoạt động quản lý trong nước tốt hơn.
Khi được đề cử vào vị trí này, ông có tin tưởng sẽ trúng cử hay không? Cảm giác của ông nhận được tin trúng cử như thế nào?
Tôi rất vui vì đã thực hiện được quyết tâm, mong muốn của lãnh đạo Bộ TT&TT và anh em ở Cục Tần số. Tất nhiên khi có quá nhiều nước ứng cử, đặc biệt có những nước lớn như Nhật Bản, Iran, Ấn Độ, Indonesia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất thì thực sự cũng có những lo ngại nhất định. Tuy nhiên, khi tiến hành bầu cử anh em chúng tôi khá tự tin về khả năng trúng cử.
Bao giờ ông bắt đầu công việc như một thành viên chính thức?
Buổi họp đầu tiên của Ủy ban mới sẽ được tổ chức vào tháng 2/2015, còn tháng 11/2014 này vẫn là Ủy ban cũ họp. Cuộc họp của Ủy ban mới dự kiến là 17/2/2015, tức 28 Tết kéo dài đến tận mùng 3 Tết Âm lịch của Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!