WRC-19: Quy hoạch thêm 17,25 GHz cho 5G và những kết quả nổi bật khác

29/11/2019

(rfd.gov.vn)- Lượng phổ tần lớn nhất từ trước đến nay đã được Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới 2019 (WRC-19) phân bổ cho IMT, cùng với đó là hàng loạt các quyết định quan trọng về phân bổ và điều kiện sử dụng phổ tần cho các hệ thống thông tin vệ tinh; di động mặt đất; hàng không; hàng hải; đường sắt; giao thông thông minh.

Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới 2019 (WRC-19) do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh - Ai Cập, có quy mô lớn nhất từ ​​trước đến nay với hơn 3400 người tham gia, sẽ thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới bằng cách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trên toàn cầu thông qua các quyết định về phân bổ và sử dụng phổ tần. Kết quả của WRC-19 sẽ giúp cho xã hội số dễ gần hơn với giá cả tiếp cận phải chăng cho mọi người, làm cho thế giới trở nên an toàn hơn, cho phép mọi người mọi ngành được tiếp cận những tiến bộ của công nghệ thông tin vô tuyến. WRC-19 thúc đẩy phát triển các công nghệ mới trong khi bảo vệ các hệ thống hiện có nhờ sự đồng thuận, dù đôi khi rất khó để đạt được, vì lợi ích của cộng đồng toàn cầu, dù xuất phát từ các quan điểm quốc gia khác nhau. Việt Nam tham gia WRC-19 với 08 đề xuất (bộ tài liệu số R16-WRC19-C-0049) về: Tần số mmW cho IMT-2020; các băng tần 1,5 GHz, 2,1 GHz và 4,9 GHz cho IMT và các thủ tục về quỹ đạo vệ tinh.

Cơ hội phát triển dịch vụ siêu băng rộng di động 5G

Mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) được tạo ra để kết nối mọi người, vạn vật và dữ liệu, giúp hệ thống giao thông và thành phố trở nên thông minh. 5G sẽ truyền tải một lượng dữ liệu khổng lồ với tốc độ nhanh hơn, cung cấp kết nối tin cậy cho một số lượng thiết bị cực lớn và độ trễ cực thấp. Công nghệ 5G sẽ hỗ trợ các ứng dụng như căn nhà, tòa nhà, thành phố và giao thông thông minh; video 3D; làm việc và giải trí trên đám mây; dịch vụ y tế từ xa; thực tế ảo và thực tế tăng cường; kết nối giữa các máy móc trong tự động hóa công nghiệp, trong khi đó việc hỗ trợ các dịch vụ này lại đang là những thách thức rất lớn đối với công nghệ 3G và 4G. Các chức năng và dịch vụ này đòi hỏi một mạng di động thế hệ tiên tiến và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đang dẫn đầu trong việc phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật để cho phép tất cả các chức năng này hoạt động cùng nhau.

Sau 4 tuần thảo luận, WRC-19 đã quy hoạch thêm được lượng phổ tần lên đến 17,25 GHz trong các băng tần khác nhau để sử dụng cho IMT mà thực chất là các ứng dụng IMT-2020 (hay 5G) trong tương lai. Các băng tần mới được quy hoạch bao gồm 24,25-27,5 GHz, 37-43,5 GHz, 45,5-47 GHz, 47,2-48,2 GHz và 66-71 GHz. Tổng thể, Hội nghị lần này đã quy hoạch được một lượng phổ tần lớn nhất từ trước đến nay cho IMT, đặc biệt khi so sánh với 1,9 GHz sẵn có cho IMT trước WRC-19, trong số đó có đến 14,75 MHz đạt được sự hài hòa trên toàn thế giới (phân bổ tại cả 3 khu vực) chiếm 85% lượng phổ tần quy hoạch được. Đồng thời với thỏa thuận về quy hoạch băng tần này là việc thống nhất các điều kiện để bảo vệ các Hệ thống thăm dò trái đất qua vệ tinh (EESS) vốn được sử dụng cho các các vệ tinh thời tiết và các dịch vụ vệ tinh quan sát thụ động khác trong hoạt động ở lân cận các băng tần nói trên, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định cho cả 5G và các hệ thống bị ảnh hưởng.

Trong số các băng tần 5G được quy hoạch lần này, băng tần 24,25-27,5 GHz (26 GHz) được hầu hết các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, nhà mạng di động và nhà sản xuất thiết bị viễn thông quan tâm bởi tiềm năng sử dụng cho 5G, cũng từ đó dẫn đến sự khác biệt khá lớn giữa đề xuất của các khu vực và các nước tham dự WRC-19, trong đó có đề xuất của Việt Nam, cho nội dung quan trọng nhất đối với băng tần này là giới hạn phát xạ không mong muốn do 5G hoạt động trên băng tần 26 GHz gây ra đối với EESS ở băng tần 23,6-24 GHz. Do sự khác biệt lớn giữa 14 đề xuất về giới hạn phát xạ của băng tần 26 GHz, trong khuôn khổ WRC-19 đã diễn ra gần 60 phiên họp các cấp để tìm cách thống nhất giá trị giới hạn phát xạ tuy nhiên các nước không đạt được thỏa thuận đáng kể nào. Trước khó khăn đó, Chủ tịch Hội nghị WRC-19 đã phải liên tiếp triệu tập Chủ tịch của 06 Khu vực (APT, ASMG, ATU, CEPT, CITEL và RCC, duy nhất Việt Nam được tham gia ở vai trò quốc gia) để đàm phán và điều kiện phát xạ này chỉ đạt được đồng thuận ở những giờ phút cuối cùng của Hội nghị, kết quả cuối cùng rất sát với giá trị đề xuất của Việt Nam.

Các Nghị quyết của WRC-19 chỉ ra rằng các ứng dụng 5G có độ trễ cực thấp và tốc độ bit rất cao sẽ yêu cầu các khối phổ liên tục lớn hơn, nằm ngoài khả năng đáp ứng của các băng tần đã được phân bổ trước đây, đồng thời các băng tần hài hòa trên toàn thế giới cho IMT sẽ hỗ trợ rất tốt cho nhu cầu roaming toàn cầu và làm tăng lợi thế quy mô.

Các chuyên gia tham dự Hội nghị cũng như các Tổ chức, Hiệp hội và Nhà sản xuất thiết bị vô tuyến cả trong và ngoài ngành di động đều cho rằng kết quả này của WRC-19 là rất thuận lơi và sẽ tạo ra cơ hội rất tốt cho sự phát triển của 5G nhưng vẫn đạt được cân bằng giữa việc thúc đẩy phát triển 5G với việc bảo vệ các dịch vụ hiện có. IMT-2020 sẽ tiếp tục được ITU phát triển từ năm 2020 trở đi, và các triển khai thương mại 5G toàn diện đầu tiên sẽ xuất hiện sau khi các tiêu chuẩn kỹ thuật của IMT-2020 được ITU-R phê chuẩn. Hiện nay, nhóm nghiên cứu 5D của  ITU chịu trách nhiệm phát triển công nghệ và tiêu chuẩn IMT-2020 (5G), đang trong giai đoạn đánh giá các công nghệ được đề xuất với dự kiến hoàn thành đánh giá vào đầu tháng 02 năm 2020 và sau đó 5D sẽ hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật của IMT-2020.

Điều chỉnh quy định đối với một số băng tần IMT quy hoạch trước đây

Bên cạnh việc tìm kiếm băng tần mới cho 5G, WRC-19 cũng rà soát lại điều kiện triển khai IMT trên các băng tần 1,5 GHz, 2,1 GHz và 4,9 GHz nhằm thúc đẩy sử dụng hiệu quả hơn IMT trên các băng tần này trong khi không cản trở hoạt động của các hệ thống thông tin vô tuyến khác.

Băng tần 1427-1518 MHz (1,5 GHz) được WRC-15 phân bổ cho IMT, tuy nhiên một phần của băng tần này (đoạn 1452-1492 MHz) lại đang được sử dụng chung với dịch vụ phát thanh qua vệ tinh (BSS). Vì vậy, WRC-15 cũng yêu cầu xây dựng các quy định về điều kiện sử dụng chung băng tần giữa IMT và BSS. Sau nhiều tranh luận từ hai phe IMT và BSS, WRC-19 đã thống nhất điều chỉnh Nghị quyết 761 để đặt ra yêu cầu về mức mật độ thông lượng công suất (pfd) tuyệt đối trên mặt đất và ngưỡng pfd phối hợp với IMT áp dụng cho vệ tinh BSS để bảo vệ trạm BS và MS của IMT cũng như mức pfd tuyệt đối trên đường biên giới quốc gia sử dụng BSS áp dụng cho IMT để bảo vệ các máy thu BSS. Các điều kiện sử dụng này có phần thuận lợi hơn để triển khai IMT so với BSS. 

Tương tự với băng tần 1980-2010 MHz / 2170-2200 MHz (2,1 GHz) dù đã được phân bổ cho IMT cả thành phần mặt đất và vệ tinh từ WARC-92, tuy nhiên khó khăn nảy sinh trong vấn đề phối hợp sử dụng để tránh can nhiễu giữa 02 quốc gia triển khai các thành phần khác nhau của IMT trên cùng băng tần này.  WRC-15 cũng yêu cầu xây dựng các biện pháp kỹ thuật và khai thác để đảm bảo 02 hệ thống cùng hoạt động ổn định. Hội nghị đã thống nhất bổ sung vào Nghị quyết 212 hướng dẫn về các biện pháp kỹ thuật và khai thác cụ thể áp dụng (không bắt buộc) cho cả 02 thành phần, theo đó IMT mặt đất không bị áp đặt thêm điều kiện triển khai nào mà thậm chí còn được ưu tiên bảo vệ nếu lựa chọn triển khai theo phương án quy hoạch B6 của Khuyến nghị M.1036 (Việt Nam dự kiến theo phương án này).

Tại WRC-15, Việt Nam được quy hoạch băng tần 4800-4990 MHz cho IMT theo chú thich 5.441B của Thể lệ Vô tuyến điện, tuy nhiên đồng thời với đó IMT phải áp dụng mức giới hạn pfd rất ngặt nghèo nhưng không thích hợp để bảo vệ các hệ thống hàng không cá biệt của một số quốc gia. Việt Nam đã chủ trì nghiên cứu và phối hợp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia đề xuất với APG19-5 và tiếp theo là WRC-19 xem xét xóa bỏ giới hạn pfd trong 5.441B nhằm mở rộng quy hoạch và thúc đẩy phát triển IMT trong băng tần này. Tại WRC-19, Việt Nam, Trung Quốc và nhóm các nước Liên Xô cũ (RCC) cùng có đề xuất điều chỉnh/xóa bỏ yêu cầu pfd này trong khi nhóm các nước Châu Âu và Hàn Quốc đề nghị vẫn áp dụng. Nội dung này trở thành một trong những chủ đề nóng và nhạy cảm tại WRC-19 do liên quan đến hệ thống hàng không cá biệt của một số nước lớn, điều này thể hiện qua việc bên cạnh các phiên họp chính thức là hàng loạt các cuộc đàm phán, thỏa hiệp đa phương đã diễn ra. Trong quá trình tranh luận bảo vệ quan điểm tại Hội nghị, bằng các phân tích, lập luận đồng thời kết hợp với phương án trao đổi, vận động của phe đề nghị xóa bỏ pfd thì hàng loạt quốc gia dù trước WRC-19 không có quan tâm nhưng đã chuyển hướng sang quan tâm và quyết định đề nghị được phân bổ băng tần này cho IMT. Kết quả, WRC-19 đã quyết định mở rộng phân bổ cho IMT trên băng tần này từ 03 lên thành 40 quốc gia, trong số đó đặc biệt có Việt Nam và 10 quốc gia khác được hưởng cơ chế miễn trừ yêu cầu áp dụng mức pfd. Đây là một kết quả ấn tượng của đoàn Việt Nam tại WRC-19 đồng thời đem đến cơ hội thúc đẩy triển khai IMT trên băng tần 4800-4990 MHz được đánh giá khá tiềm năng cho phát triển 5G.

Thúc đẩy khả năng tiếp cận quỹ  đạo vệ tinh cho các nước đang phát triển

Trong khi các vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh (GSO) chuyển động cố định so với mặt đất ở độ cao 36000 km thì các vệ tinh phi địa tĩnh (NGSO) lại di chuyển trên bầu trời trong quỹ đạo trung bình (MEO) có độ cao 8000 – 20000 km so với Trái đất và trên quỹ đạo thấp (LEO) có độ cao từ 400 đến 2000 km. Kể từ năm 2011, ITU nhận được hàng loạt hồ sơ xin ấn định tần số cho các hệ thống NGSO gồm hàng trăm đến hàng nghìn vệ tinh hoạt động trên các dải tần phân bổ cho dịch vụ vệ tinh cố định (FSS) hoặc dịch vụ vệ tinh di động (MSS).

Trước thực tế đó, các quốc gia đã đạt được đồng thuận trong việc xây dựng phương pháp “mốc thời gian” mới để áp dụng trong triển khai hệ thống vệ tinh phi địa tĩnh (NGSO) trên một số băng tần và dịch vụ vô tuyến, đặt ra các quy định về thủ tục để triển khai các mạng vệ tinh NGSO bao gồm các chùm vệ tinh cỡ lớn trên quỹ đạo thấp (LEO). Theo cơ chế quản lý mới này, các mạng vệ tinh phải triển khai được từ 10% số vệ tinh của chùm trong vòng 02 năm sau thời điểm cuối của giai đoạn được quy định BIU (bringing into use), lên đến 50% trong vòng 05 năm và hoàn thành việc đưa toàn bộ chùm vệ tinh lên quỹ đạo trong vòng 07 năm.

Cách tiếp cận dựa trên mốc thời gian nói trên sẽ cung cấp cơ chế quản lý giúp đảm bảo phản ánh hợp lý tình trạng triển khai thực tế của các hệ thống vệ tinh NGSO trong Bảng Tần số chủ của ITU (MIFR). Phương pháp này cũng đạt được sự cân bằng giữa: Việc ngăn chặn đầu cơ phổ tần, vận hành các cơ chế phối hợp tần số - quỹ đạo và các yêu cầu liên quan đến triển khai hệ thống NGSO.

Sự đồng thuận này giúp đáp ứng với tốc độ đổi mới trong lĩnh vực thông tin vệ tinh thể hiện qua sự gia tăng nhu cầu triển khai các chùm vệ tinh NGSO khi mà các phương tiện phóng vệ tinh có khả năng hỗ trợ nhiều vụ phóng vệ tinh, các chùm vệ tinh cỡ lớn bao gồm hàng trăm đến hàng nghìn vệ tinh đang trở nên phổ biến.

Các chùm vệ tinh có thể cung cấp nhiều loại dịch vụ khác nhau bao gồm truy cập băng rộng có độ trễ thấp, viễn thám, nghiên cứu không gian và khí quyển tầng cao, khí tượng học, thiên văn học, trình diễn công nghệ và giáo dục.

Ngoài ra, WRC-19 cũng quyết định điều chỉnh một số quy định để tạo thuận lợi cho việc sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm tần số vô tuyến và các quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh trên một số băng tần.

Các kết quả đáng chú  ý khác của WRC-19

·     Dịch vụ vệ tinh thăm dò trái đất (EESS): Quy hoạch EESS làm nghiệp vụ chính trên toàn cầu trong dải tần 22,55-23,15 GHz để sử dụng cho giám sát, đo từ xa và điều khiển vệ tinh.

·     Các trạm thông tin đặt trên cao (HAPS): Các dải tần số bổ sung được xác định cho HAPS hoạt động trên tầng bình lưu giúp triển khai các vùng phủ sóng rộng để cung cấp dịch vụ truy cập băng rộng giá cả phải chăng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

·     Mạng Wifi: Các điều khoản quy định được sửa đổi để phù hợp với việc triển khai cả trong nhà và ngoài trời đáp ứng nhu cầu gia tăng đối với các hệ thống truy cập không dây, bao gồm RLAN, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến các dịch vụ khác.

·     Hệ thống thông tin đường sắt (RSTT): Ban hành Nghị quyết mới để tạo điều kiện triển khai hệ thống RSTT đáp ứng nhu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao, đặc biệt cho các ứng dụng cải thiện kiểm soát giao thông đường sắt, an toàn và an ninh cho hành khách và hoạt động chạy tàu.

·     Hệ thống giao thông thông minh (ITS): Phê duyệt Khuyến nghị mới để thúc đẩy phát triển ITS giúp kết nối các phương tiện giao thông, cải thiện năng lực quản lý giao thông và hỗ trợ lái xe an toàn hơn.

·     Hệ thống an toàn và cứu nạn hàng hải toàn cầu (GMDSS): Điều chỉnh các quy định của Thể lệ giúp mở rộng phạm vi và nâng cao năng lực cho GMDSS.

Đồng thời như thường lệ, WRC-19 cũng xây dựng chương trình nghiên cứu cho chu kỳ tiếp theo, giai đoạn 2020-2023, với số lượng lớn các Chương trình nghị sự của WRC-23, giúp cập nhật Thể lệ Thông tin vô tuyến trước những tiến bộ công nghệ mới nhất trong lĩnh vực CNTT-TT. Một số chương trình nghị sự đáng chú ý được quyết định cho WRC-23 như: Quy hoạch thêm tần số cho các hệ thống IMT trong dải tần từ 3.3-24 GHz; quy hoạch tần số cho đài vệ tinh đặt trên tàu biển, tàu bay trong các dải tần 12 GHz, 17-20 GHz, 27-30 GHz; quy hoạch tần số cho hệ thống di động qua vệ tinh để cung cấp dịch vụ IoT.

 

Bùi Hà Long