DSS hỗ trợ chia sẻ phổ tần dựa trên yêu cầu lưu lượng giữa tài nguyên 4G và 5G, bởi vậy việc phân bổ phổ tần có thể được hoàn thành ngay lập tức và hiệu suất tốt nhất có thể được cung cấp cho thiết bị 4G và 5G với dung lượng sẵn có.
Chia sẻ phổ tần động (DSS) là một chức năng dựa trên phần mềm cho phép trạm gốc truyền đồng thời các thông tin giữa mạng LTE và 5G New Radio (5G NR) cùng một lúc trong cùng một băng tần. Điều này có nghĩa là các nhà khai thác có thể tránh được quá trình tái sử dụng phổ tốn kém, tốn thời gian trong khi vẫn mở rộng vùng phủ sóng 5G ở các dải tần trung và thấp. DSS đã được quảng cáo là một cách giúp các nhà mạng cung cấp vùng phủ sóng 5G rộng bằng cách sử dụng cùng phổ cho cả 4G và 5G, thay vì phải dành phổ LTE hiện tại cho 5G. Ericsson cho biết sản phẩm của họ chuyển đổi giữa 4G và 5G trong vòng một phần nghìn giây, chia sẻ phổ tần động dựa trên nhu cầu lưu lượng.
Theo một nghiên cứu được xuất bản vào tháng 11/2019 của 5G Americas, hiện tại trên thế giới có 46 mạng 5G đã được triển khai (trong đó: Khu vực Tây Âu 18 mạng; Trung Đông 10 mạng; Châu Á - Thái Bình Dương 09 mạng; Hoa Kỳ và Ca-na-đa 04 mạng; Đông Âu 03 mạng; Mỹ - La tinh và Ca-ri-bê 01 mạng và Châu Phi 01 mạng) và số thuê bao 5G dự kiến đến năm 2024 sẽ đạt 1,9 tỷ thuê bao. Đến năm 2035, khi nhận ra lợi ích kinh tế đầy đủ của 5G trên toàn cầu, nhiều ngành công nghiệp từ bán lẻ đến giáo dục, giao thông đến giải trí,… có thể tạo ra tới 13,2 nghìn tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ được kích hoạt bởi công nghệ di động 5G. Sách trắng IHS dự đoán thêm rằng chuỗi giá trị di động 5G có thể tạo ra doanh thu lên tới 3,6 nghìn tỷ đô la vào năm 2035 và hỗ trợ tăng tới 22,3 triệu việc làm.
Dựa trên nhiều năm kinh nghiệm trong việc chia sẻ phổ tần của nhiều hệ thống, ZTE, Qualcomm và Erisson là những nhà cung cấp đầu tiên tung ra giải pháp DSS của LTE và 5G NR. Giải pháp này giúp tối đa hóa việc sử dụng phổ tần, tạo điều kiện cho sự phát triển thuận lợi từ 4G lên 5G và thực hiện phủ sóng nhanh cho băng tần dưới 6 GHz.
Giải pháp DSS thực hiện chia sẻ cùng tần số giữa 4G và 5G mang lại các lợi ích sau:
- Cho phép người dùng tận hưởng cả dịch vụ 4G và 5G;
- Có thể làm giảm đáng kể chi phí đầu tư của nhà khai thác vào tài nguyên phổ tần;
- Cải thiện việc sử dụng hiệu quả phổ tần;
- Đảm bảo mạng LTE có thể phát triển mượt mà lên 5G.
Liên quan đến công nghệ DSS, ông Andreas Roessler, Giám đốc Công nghệ của Công ty thiết bị Rohde & Schwarz cho biết: “Ý tưởng của DSS là cho phép một nhà cung cấp dịch vụ không có phổ tần trong băng tần thấp, từng bước sẽ có khả năng triển khai phủ sóng cho 5G NR ở băng tần thấp. Hầu hết các nhà khai thác, đặc biệt là các nhà khai thác ở Hoa Kỳ, đã sử dụng phổ tần ở băng tần thấp để triển khai các mạng LTE của họ và sẽ tiếp tục sử dụng phổ tần này để cung cấp dịch vụ cho phần lớn khách hàng của họ trong thời gian tới”. Roessler cũng cho biết thêm, DSS thực sự là một tính năng mà ngành công nghiệp đang thúc đẩy để khắc phục tình trạng thiếu băng tần trung và băng tần thấp dành cho 5G và ông kỳ vọng DSS sẽ bắt đầu được triển khai vào năm 2020 như là một phần của quá trình chuyển đổi tổng thể không chỉ từ 4G sang 5G mà còn là từ mạng 5G không độc lập (5G Non-Standalone) sang mạng 5G độc lập (5G Standalone).
Với việc áp dụng công nghệ DSS vào triển khai các mạng 5G trong thực tế và dựa trên lợi thế tài nguyên lớn của việc chia sẻ phổ tần, ZTE và China Mobile đã triển khai việc sử dụng thương mại trạm gốc chia sẻ phổ tần động đầu tiên trên thế giới ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, giúp China Mobile xây dựng một mạng di động chất lượng cao. ZTE cùng với China Mobile tiếp tục khám phá ứng dụng công nghệ 5G mới và các chức năng mới trong mạng thương mại, cải thiện chất lượng mạng, xây dựng mạng 4G/5G chất lượng và cung cấp dịch vụ mạng tốt hơn cho người dùng.
Trong khi đó, tại Thụy Sỹ, Ericsson và Qualcomm đã hoàn thành cuộc gọi dữ liệu 5G đầu tiên qua không gian bằng cách sử dụng DSS với đối tác là nhà cung cấp dịch vụ di động Swisscom. Swisscom đã giới thiệu 5G tại Thụy Sĩ vào tháng 4 năm nay bằng cách sử dụng phổ tần 3,6 GHz với đối tác Ericsson là nhà cung cấp thiết bị 5G duy nhất. Nhà khai thác này sẽ là nhà mạng đầu tiên triển khai phần mềm chia sẻ phổ tần của Ericsson vào tháng 12 tới và cuộc gọi DSS gần đây trên nền tảng thương mại là bước chuyển tiếp về mục tiêu bao phủ 90% dân số quốc gia với 5G trong năm nay của Swisscom.
Patrick Weibel, người đứng đầu Chương trình 5G tại Swisscom, cho biết: Chia sẻ phổ tần động (DSS) cho phép Swisscom tận dụng tốt nhất phổ tần và cơ sở hạ tầng hiện có cho khách hàng 4G và 5G, tùy thuộc vào nhu cầu của họ.
Trong khi đó nhà mạng Verizon của Hoa Kỳ đã chỉ ra DSS là chìa khóa cho chiến lược 5G trong tương lai của họ. Verizon dự kiếnsẽ giới thiệu công nghệ này vào mạng của mình vào năm 2020 và Phó Chủ tịch phụ trách Công nghệ của Verizon, ông Heidi Hemmer cho rằng: Công nghệ này sẽ đặc biệt quan trọng ở những nơi có nhu cầu dung lượng lớn như sân vận động và đấu trường giải trí.
Về mặt thiết bị, các thiết bị cầm tay có thể tận dụng lợi thế của công nghệ vẫn cần phải xuất hiện trên thị trường. Qualcomm cho biết giải pháp DSS của Ericsson tương thích với tất cả các điện thoại thông minh tích hợp 5G FDD và các thiết bị khác dựa trên nền tảng Snapdragon 5G của Qualcomm. Bộ xử lý Snapdragon 855 và modem X50 cung cấp cho các thiết bị 5G đầu tiên và modem Snapdragon X55 của nó hỗ trợ cả phổ tần TDD và FDD ở phổ tần dưới 6 GHz và phổ tần mmWave.
Giám đốc điều hành Qualcomm, Steve Mollenkopf tiết lộ rằng; Hơn 40 nhà sản xuất thiết bị và 30 nhà khai thác hiện đang tung ra hoặc công bố các sản phẩm và dịch vụ 5G.
Tài liệu tham khảo:
5G Services Innovation (Nguồn: 5G Americas)
https://www.fiercewireless.com/sponsored/zte-5g-dynamic-spectrum-sharing-helps-operators-build-high-quality-networks
https://www.fiercewireless.com/5g/ericsson-qualcomm-complete-5g-swisscom-using-dss
https://www.rcrwireless.com/20191111/5g/swisscom-ericsson-dss-5g
https://www.rcrwireless.com/20191111/test-and-measurement/what-state-dynamic-spectrum-sharing-developement