Các nước ASEAN cũng xác định những vấn đề khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực tế như: Phát triển hệ thống mạng đường trục (backbone network) để đáp ứng cho phát triển 5G; sự sẵn sàng phổ tần cho 5G; giải pháp an ninh mạng; các ứng dụng cụ thể;...
Thực tế triển khai 5G tại các nước ASEAN
- Tại Singapore, các nhà mạng Singtel, liên doanh giữa M1 và StarHub được cấp phép băng tần 3.5 GHz và 26/28 GHz để triển khai chính thức diện rộng thương mại 5G từ 01/01/2021. Bên cạnh đó, nhà mạng TPG cũng đã được cấp phép băng tần mmWave 26/28GHz để triển khai mạng cục bộ từ 01/10/2020. Cơ quan quản lý Singapore đã quy định bắt buộc các nhà mạng trúng đấu giá phổ tần phải triển khai mạng 5G theo kiến trúc độc lập (StandAlone Network) nhằm đạt được hiệu suất mạng cao nhất. Từ tháng 01/2021, Singapore sẽ bắt đầu triển khai 5G diện rộng trên toàn quốc, đến cuối năm 2022 sẽ phủ sóng 50% và đến 2025 sẽ phủ sóng 95% toàn quốc. Các ứng dụng 5G chính gồm: Các dịch vụ di động đô thị, ứng dụng khách hàng và chính phủ, bất động sản thông minh, công nghiệp 4.0, quản lý hoạt động hàng hải,…
- Malaysia đã thông qua Chương trình dự án 5G Malaysia Demonstration Projects (5GDP) nhằm phát triển hệ sinh thái 5G, tập trung vào 9 lĩnh vực cụ thể gồm: Nông nghiệp, giáo dục, y tế số, giải trí/truyền thông, sản xuất và chế biến, xăng dầu, vận tải thông minh, thành phố thông minh và du lịch. Mục tiêu chương trình 5GDP sẽ giúp Malaysia đi đầu trong khu vực Đông Nam Á, dự kiến triển khai 5G sẽ đóng góp khoảng 12,7 tỷ RM (tương đương 3 tỷ đô la Mỹ) vào GDP và tạo ra khoảng 40.000 việc làm mới trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, Malaysia cũng đã triển khai các chương trình sáng kiến (Jendela initiative) nhằm mở rộng vùng phủ băng rộng di động và nâng cao chất lượng dịch vụ công nghệ 4G, thành lập tổ chuyên trách tắt sóng 3G (3G Sunset Task Force).
- Tại Thái Lan, từ năm 2019, nhiều hoạt động đã được thúc đẩy triển khai: Đấu giá và cấp phép băng tần (low, mid, high-band); áp dụng mô hình chính sách “sandbox” cho các hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm (5G Testbed) tại các trường đại học; thiết bị đầu cuối (CPE); quản lý và giám sát vấn đề can nhiễu. Tháng 02/2020, Thái Lan đã tổ chức đấu giá và cấp phép cho các nhà mạng để triển khai 5G trên băng tần 700MHz, 2.6GHz và 26GHz. Từ quý 4/2020 sẽ triển khai thương mại ứng dụng 5G, trong đó ưu tiên cho các lĩnh vực trọng yếu như y tế, nông nghiệp và sản xuất thông minh.
- Indonesia đã ban hành các chính sách và đạo luật (Omnibus Law on Job Creation) nhằm tăng tốc chuyển đổi số quốc gia, trong đó bao gồm: Chính sách chia sẻ và dùng chung cơ sở hạ tầng mạng, thu phí và đấu giá tần số (“Pay or Play”), hợp tác và thử nghiệm mô hình 5G (OpenRAN), nâng cao kỹ năng và thúc đẩy sáng tạo (Digtial Talent, IoT Makers Creation), bảo vệ dữ liệu cá nhân, tập trung vào các ứng dụng ưu tiên cho du lịch và xây dựng Thủ đô mới. Theo dự báo, Indonesia sẽ cần thêm tối thiểu 1.310 MHz phổ tần cho 5G vào năm 2024 và 5G sẽ đóng góp khoảng 200 tỷ đô la Mỹ vào GDP, tạo ra khoảng 4,4 triệu cơ hội việc làm vào năm 2030.
- Brunei đã sẵn sàng cho 5G với việc thành lập Tổ công tác 5G (Nhóm chính sách và phổ tần, Nhóm hạ tầng và ứng dụng, Nhóm đào tạo nâng cao nhận thức), triển khai nhiều trạm 5G, cũng như công bố băng tần 700 MHz và 3,5 GHz cho thử nghiệm 5G. Brunei đã xây dựng khung chính sách thử nghiệm "sandbox"[1] để thúc đẩy phát triển và thử nghiệm công nghệ, các ứng dụng 5G.
- Tại các nước Philippines, Campuchia, Lào và Myanmar đang trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai thử nghiệm 5G theo lộ trình riêng, phát triển hệ sinh thái 5G kết hợp với dịch vụ 4G, tập trung vào các lĩnh vực: Nông lâm - Ngư nghiệp; trang trại thông minh; lưới điện thông minh; giám sát lũ lụt; đỗ xe thông minh; quản lý xả thải,...
Kinh nghiệm phát triển 5G của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế
- Tại Nhật Bản, từ tháng 4/2019, quốc gia này đã cấp phép tần số cho các nhà mạng để triển khai các trạm 5G trên toàn quốc và theo từng khu vực nhất định. Do các trạm gốc 5G có vùng phủ nhỏ, nếu quy định bắt buộc các nhà mạng triển khai theo “tỷ lệ phủ sóng theo dân số” thì sẽ cần nhiều trạm gốc 5G dẫn tới chi phí đầu tư sẽ rất lớn; đồng thời các khu vực nông thôn có mật độ dân số thấp sẽ khó tiếp cận sớm được 5G. Vì vậy, Nhật Bản đã đưa ra một phương án mới, theo đó sẽ chia cả nước thành những khu vực địa lý với diện tích 10 km2 và lắp đặt BTS 5G tại hơn 50% các khu vực 10 km2 này trong 5 năm tới và phủ sóng những khu vực kinh doanh tiềm năng ở cả khu vực thành thị và nông thôn.
Nhật Bản tập trung phát triển 5G dùng riêng (Local /Private 5G), là một hệ thống 5G có thể được xây dựng linh hoạt theo khu vực như là khu văn phòng, nhà máy; hệ thống mạng 5G dùng riêng có thể được doanh nghiệp trong nước, chính quyền địa phương tham gia đầu tư, xây dựng. Mạng 5G dùng riêng được xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ triển khai các dự án chuyển đổi số, thúc đẩy IoT trong sản xuất.
Chính phủ Nhật Bản cũng tăng cường thúc đẩy triển khai các mô hình ảo hoá mạng 5G (OpenRAN và vRAN) trên quy mô toàn cầu, nhằm đáp ứng các yêu cầu tối ưu hoá mạng, đảm bảo vấn đề an ninh mạng cũng như tiết kiệm các chi phí triển khai. Hiện nay, các doanh nghiệp của Nhật Bản (Rakuten, NTT Docomo) đang hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực này.
- Tại Hàn Quốc, nước đầu tiên trên thế giới chính thức thương mại hoá 5G vào tháng 4/2019, đứng thứ 1 thế giới về thị phần 5G smartphone, thứ 3 về thiết bị 5G, với tổng số 152 nghìn trạm BTS và 9,2 triệu thuê bao 5G.
Hàn Quốc đã thành lập Uỷ ban chiến lược 5G (5G+ Strategic Committee) với mục tiêu dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo (5G ecosystem), đạt 150 tỷ đô la Mỹ vào năm 2026, tập trung vào 10 ngành công nghiệp mũi nhọn (thiết bị mạng, điện thoại thông minh, thiết bị VR-AR, thiết bị đeo, camera thông minh, thiết bị bay, robot, phương tiện đến mọi thứ-V2X, an toàn thông tin, điện toán đám mây) và 5 dịch vụ chính (nhà máy thông minh; xe tự lái; tích hợp nội dung; y tế và đô thị thông minh).
Trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ tiếp tục đầu tư và cải tiến hạ tầng 5G (giảm thuế, đầu tư của các nhà mạng di động), dự báo nhu cầu sử dụng tần số sẽ tăng gấp đôi vào năm 2026 (khoảng 5.320 MHz), xây dựng các chính sách đối với thiết bị thông minh và điện toán đám mây,…
- Tại Trung Quốc, các nhà mạng China Unicom, China Mobile and China Telecom đã chính thức thương mại hoá 5G (tại băng tần 700MHz và 3.5GHz). Tính đến tháng 11/2020, các nhà mạng Trung Quốc đã triển khai với tổng số 690 nghìn trạm 5G, 160 triệu thuê bao, 207 loại thiết bị đầu cuối trong đó có 180 loại thiết bị cầm tay (cellphone).
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các dự án hợp tác 5G để tăng cường hiệu quả và thúc đẩy triển khai hạ tầng mạng. Nhà mạng China Telecom và China Unicom đã cùng hợp tác chia sẻ hạ tầng mạng 5G StandAlone; tới thời điểm 9/9/2019, cả hai nhà mạng này đã xây dựng được trên 300.000 trạm phát sóng 5G, ước tính đã tiết kiệm được trên 9 tỷ USD trong việc xây dựng hạ tầng mạng. Bên cạnh đó, nhà mạng China Mobile và CBN cũng đã cùng hợp tác đầu tư và xây dựng mạng 5G trên băng tần 700 MHz.
Về ứng dụng, Trung Quốc đã kêu gọi và tổ chức cuộc thi phát triển các ứng dụng 5G (“Blooming Cup”) trong 3 năm 2018-2020. Hiện nay, ứng dụng 5G được phát triển trên các lĩnh vực y tế, giao thông, giáo dục, du lịch và các ứng dụng đổi mới sáng tạo trong các ngành sản xuất, khai khoáng, giám sát và vận hành từ xa các bến cảng,… Đối với công nghệ, AI và MEC (Mobile Edge Computing) đang trở thành công nghệ chính phát triển dịch vụ 5G.
- Tại Hoa Kỳ, tháng 3/2020, nước này đã ban hành Chiến lược quốc gia đảm bảo mạng 5G trong đó thúc đẩy triển khai 5G trong nước: Tập trung giải phóng thêm các băng tần (high, mid, low and unlicensed band) cho 5G; cập nhật các chính sách phát triển hạ tầng mạng vô tuyến; đổi mới và hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo quyền tự do trên Internet, giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ triển khai mạng đường trục 5G, chuyển đổi giao thức mạng thế hệ mới, dịch vụ dữ liệu,… Đối với an ninh mạng 5G, Hoa Kỳ xác định các nguyên tắc đảm bảo an ninh mạng lõi; khuyến khích các tiêu chuẩn, yêu cầu thiết bị, dịch vụ giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng nền kinh tế toàn cầu; áp dụng các mô hình, giải pháp ảo hoá mạng (OpenRAN).
- Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Chương trình hành động triển khai 5G (Action Plan) theo các mốc chính: Công bố 5G trong một số lĩnh vực nhất định (2018); thương mại hoá dịch vụ 5G tại ít nhất 01 thành phố của các nước thành viên (2020); và 5G được phủ kín các khu vực đô thị và các tuyến giao thông chính giữa các nước thành viên (2025). EU triển khai 5G theo lộ trình và sử dụng mạng lõi hiện có (tiêu chuẩn 3GPP phiên bản không độc lập (Non Standalone)). Đến nay, 16 nước thành viên của EU đã công bố chính thức mạng 5G (hơn 30 mạng 5G đang hoạt động trên các băng tần 700MHz, 3.4-3.8GHz và 26GHz), các lĩnh vực ưu tiên: An ninh công cộng, thực tế ảo, năng lượng, y tế, đô thị thông minh, truyền thông và giải trí, công nghiệp 4.0, giao thông, tự động hoá và nông nghiệp.
[1] Cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ