ARPANSA đã nhiều lần đưa ra tuyên bố cho rằng 5G an toàn đối với con người và khẳng định các băng tần cao được sử dụng trong công nghệ 5G không tạo ra mức độ phơi nhiễm trường điện từ lớn hơn các băng tần thấp đang được sử dụng cho các công nghệ di động hiện nay như 2G, 3G và 4G.
Trước đó, trong một đệ trình gửi đến Ủy ban Thường vụ Hạ viện Úc vào năm 2019, ARPANSA cũng đã khẳng định rằng: “Tần số cao hơn không có nghĩa là mức độ phơi nhiễm cao hơn. Nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng không có bằng chứng xác thực về ảnh hưởng sức khỏe từ sóng vô tuyến được sử dụng trong viễn thông di động. Điều này bao gồm việc triển khai mạng 5G sắp tới. ARPANSA đánh giá 5G là an toàn”.
Cơ quan này tuyên bố rằng, khi sử dụng các tần số trong 4G và 5G, một số năng lượng được hấp thụ vào cơ thể, tuy nhiên, nó quá thấp để tạo ra bất kỳ “sự nóng lên đáng kể nào của mô” và các tần số cao trong băng tần sóng milimet được sử dụng cho 5G trong tương lai cũng không “xuyên qua da”. Mức công suất được sử dụng sẽ thấp và không có hiện tượng nóng lên đáng kể trên da.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng, nếu con người tiếp xúc với mức năng lượng cao hơn 50 lần so với tiêu chuẩn của Úc, hiện tượng nóng mô có thể xảy ra, chẳng hạn như khi hàn hoặc tiếp xúc với các trạm phát sóng AM, nhưng đó cũng là lý do tại sao phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho con người trong những trường hợp như vậy.
Bản đệ trình của ARPANSA cũng đã tái khẳng định thực tế đã được khoa học chứng minh rằng, sóng vô tuyến không phải là bức xạ ion hóa như các tia X hoặc tia Gamma, không gây ra hiện tượng ion hoá hoặc phóng xạ trong cơ thể và không thể phá vỡ các liên kết hóa học có thể dẫn đến tổn thương DNA và khẳng định không có bằng chứng xác thực nào cho thấy việc tiếp xúc với sóng vô tuyến ở mức độ thấp gây ra ung thư.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC - International Agency for Research on Cancer), cơ quan xem xét các bằng chứng về nguy cơ ung thư, đã phân loại tín hiệu tần số vô tuyến cùng nhóm với việc ăn rau muối (tức là có ít bằng chứng cho thấy chúng có thể gây ung thư ở người). Ăn thịt đã qua chế biến được xếp vào loại cao hơn so với tín hiệu vô tuyến. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho rằng các nghiên cứu không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy tín hiệu trạm gốc làm tăng nguy cơ ung thư hoặc bất kỳ bệnh nào khác.
Tiêu chuẩn mới về giới hạn phơi nhiễm sóng vô tuyến điện trong khoảng tần số từ 100 kHz đến 300 GHz do ARPANSA công bố đã đưa ra mức giới hạn phơi nhiễm cho con người, trong đó bao gồm giới hạn phơi nhiễm đối với nhân viên khai thác và dân chúng. Bản tiêu chuẩn an toàn mới này đã cập nhật các tần số vô tuyến được sử dụng trong thông tin vô tuyến, chẳng hạn như Wi-Fi và 5G.
Phát biểu thông qua tiêu chuẩn mới, Tiến sỹ Ken Karipidis – Phó Giám đốc ARPANSA đã chỉ ra rằng: Tiêu chuẩn mới có “các biện pháp bảo vệ tinh vi hơn” và nó bao hàm tất cả các công nghệ phát sóng vô tuyến điện.
Ông nói: “Không có sự thay đổi đáng kể nào trong tiêu chuẩn mới ... với những con số thực tế, một số tiêu chuẩn đưa ra cao hơn một chút và một số lại thấp hơn một chút. Điều này lý giải cho việc sóng vô tuyến được hấp thụ trong cơ thể con người như thế nào”.
Nhân dịp này, ông Ken Karipidis cũng nhắc lại rằng, khả năng phơi nhiễm với bất kỳ dạng sóng vô tuyến điện nào là “cực kỳ thấp” và điều này đã được chỉ ra trong nghiên cứu mà ARPANSA đã tiến hành liên quan đến việc kiểm tra mức độ phơi nhiễm sóng vô tuyến ở 23 trường học ở Úc.
“Kết quả đo kiểm mức độ phơi nhiễm sóng vô tuyến của chúng tôi đã cho thấy, mức độ phơi nhiễm từ Wi-Fi thấp hơn 100 triệu lần; từ các tháp truyền hình thấp hơn 3 triệu lần và từ các trạm gốc di động thấp hơn 500.000 lần so với tiêu chuẩn của Úc. Mức độ phơi nhiễm lớn nhất là từ đài AM, nhưng nó vẫn thấp hơn 50.000 lần so với tiêu chuẩn”, Tiến sỹ Karipidis chỉ rõ.
Tiêu chuẩn mới này cũng đưa ra các giới hạn phơi nhiễm và hướng dẫn cho người lao động trong một số ngành như viễn thông và chăm sóc sức khỏe, nơi họ có thể bị phơi nhiễm với các tiêu chuẩn sóng vô tuyến cao hơn.
Liên quan đến tác động của sóng vô tuyến đến sức khỏe con người, Tiến sỹ Karipidis cho rằng, không có tác dụng lâu dài nào được chứng minh, chẳng hạn như ung thư từ sóng vô tuyến. Và trên thực tế, không có bằng chứng xác thực về bất kỳ ảnh hưởng sức khỏe nào từ sóng vô tuyến ở mức dưới tiêu chuẩn.
Việc ra mắt tiêu chuẩn mới là một phần trong sáng kiến thực hiện trong 4 năm, trị giá 9 triệu đô la Úc của chính phủ Úc được đưa ra vào cuối năm 2019 nhằm chống lại thông tin sai lệch về 5G và xây dựng niềm tin của công chúng.
Trên thế giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa sóng điện từ, đặc biệt là sóng của các trạm thu phát thông tin di động ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Việc đánh giá mức độ an toàn từ các trạm phát sóng di động được các tổ chức trên thế giới nghiên cứu dựa vào các tiêu chuẩn về phơi nhiễm điện từ.
Các nghiên cứu cho thấy, năng lượng sóng vô tuyến được cơ thể hấp thụ và tạo thành nhiệt. Như vậy, các ảnh hưởng của sóng vô tuyến đến sức khoẻ liên quan đến sự sinh nhiệt này, nhưng với mức năng lượng sóng vô tuyến quá thấp thì không thể gây ra sự tăng nhiệt và không có nghiên cứu nào cho thấy có ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ tại các mức phơi nhiễm dưới các giới hạn theo hướng dẫn của các tổ chức quốc tế.
Kết luận của Tổ chức Y tế thế giới được đưa ra trong tài liệu “WHO Fact sheet N0304 May 2006: Electromagnetic fields and public health – Base stations and wireless technologies” cũng đã khẳng định: “Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập được cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khoẻ”.
Tài liệu tham khảo:
[1]. https://www.zdnet.com/article/australias-radiation-safety-agency-debunks-5g-concerns-in-new-safety-standard/
[2]. https://www.zdnet.com/article/australian-radiation-safety-agency-fires-back-at-5g-health-fearmongering/
[3]. WHO Fact sheet N0304 May 2006: Electromagnetic fields and public health – Base stations and wireless technologies.
[4]. https://www.gsma.com/publicpolicy/emf-and-health/safety-of-5g-networks