Báo cáo của GSMA với tựa đề “Nền kinh tế di động Trung Quốc” cũng ước tính rằng, kết nối 5G vào năm 2025 sẽ chiếm 47% tổng số kết nối di động ở Trung Quốc, tăng từ mức 12% hiện tại.
Theo dự báo của GSMA thì Trung Quốc sẽ là một trong số những quốc gia dẫn đầu về việc áp dụng 5G vào năm 2025, chỉ sau Hàn Quốc với mức thâm nhập 5G là 67%, Mỹ (55%) và Nhật Bản (50%).
Bên cạnh việc tăng trưởng số lượng kết nối 5G thì kết nối 4G tại Trung Quốc sẽ có tổng cộng 911 triệu kết nối vào năm 2025, giảm so với con số 1,31 tỷ kết nối 4G hiện tại.
Báo cáo của GSMA cũng chỉ ra rằng, sự phát triển nhanh chóng 5G trong thời gian qua đã giúp Trung Quốc nằm trong số các quốc gia dẫn đầu toàn cầu về việc áp dụng 5G. Trong năm 2020, Trung Quốc đã có thêm hơn 200 triệu kết nối 5G, chiếm 87% kết nối 5G trên toàn cầu. Sự tăng trưởng trong việc áp dụng 5G ở Trung Quốc được hỗ trợ bởi việc triển khai mạng tích cực và hệ sinh thái thiết bị đang phát triển. Các nhà khai thác Trung Quốc đã triển khai khoảng gần 600.000 trạm gốc 5G mới vào năm 2020.
Theo nhận định của một chuyên gia viễn thông của Trung Quốc thì các nhà khai thác di động của nước này có khả năng sẽ xây dựng hơn 1 triệu trạm gốc 5G mới trong năm 2021, vì chi phí của các trạm gốc 5G dự kiến sẽ giảm vào năm tới và tổng số trạm gốc 5G ở Trung Quốc có thể đạt hơn 1,7 triệu vào cuối năm 2021.
“Trong khi đó, mạng 5G hiện bao phủ hơn 90% dân số ở Hồng Kông và Đài Loan, khiến cả hai thị trường này trở thành những thị trường đầu tiên trên thế giới đạt được cột mốc đó. Bên cạnh đó, các nhà khai thác di động ở hai thị trường này cũng đã tăng cường đầu tư vào 5G, nhắm mục tiêu phủ sóng tới 99% dân số trong vòng hai năm tới”, báo cáo của GSMA cho biết thêm.
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng di động nói chung và mạng 5G nói riêng cũng đang được các nhà khai thác di động ở Trung Quốc đặc biệt quan tâm, theo GSMA thì trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, các nhà khai thác di động Trung Quốc sẽ đầu tư gần 210 tỷ USD vào phát triển mạng lưới của họ, trong đó 90% sẽ dành riêng cho 5G.
“Các nhà khai thác di động Trung Quốc đã đi đầu trong nỗ lực thử nghiệm và đưa ra thị trường các mô hình triển khai cơ sở hạ tầng sáng tạo và tiết kiệm chi phí, chẳng hạn như mô hình chia sẻ, dùng chung cơ sở hạ tầng mạng. Nhà mạng China Telecom và China Unicom đã cùng xây dựng và hiện đang vận hành hơn 320.000 trạm gốc 5G trên khắp lãnh thổ Trung Quốc, đây được xem là thỏa thuận chia sẻ, dùng chung mạng 5G thương mại lớn nhất thế giới, bao phủ hơn 300 thành phố. Động thái này đã giúp các nhà khai thác di động tiết kiệm được 9,3 tỷ USD vốn đầu tư, tính đến tháng 9 năm 2020 và dự kiến sẽ giúp tiết kiệm thêm 41,8 tỷ USD trong 5 năm tới”, GSMA cho biết.
Đánh giá về sự tăng trưởng thuê bao 5G tại Trung Quốc, ông Ryan Ding – Chủ tịch của công ty cung cấp thiết bị viễn thông Huawei dự đoán người dùng 5G sẽ chiếm 20% tổng số người dùng di động ở Trung Quốc vào cuối tháng 6 năm 2021.
Trước đó, vào tháng 6 năm 2019, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã chính thức cấp giấy phép cho việc triển khai các mạng 5G thương mại tại nước này. Các giấy phép 5G đó đã được cấp cho China Mobile, China Unicom, China Telecom và Đài truyền hình nhà nước China Broadcasting Network.