Liên minh Vệ tinh (C-Band Alliance (CBA)) đã buộc phải chấp nhận thực tế việc bị giải phóng 300MHz băng tần C (3.7-4.0GHz) để triển khai 5G tại Mỹ. Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng là Liên minh này đề xuất đấu giá riêng. Cụ thể, việc đấu giá sẽ do các nhà khai thác mạng vệ tinh đang sở hữu giấy phép băng tần C bán lại cho các nhà mạng di động, thay cho việc đấu giá chung do FCC thực hiện.
Trong một lá thư gửi các nhà lập pháp Mỹ, ông Peter Pitsch - Phó Chủ tịch điều hành CBA cho rằng nếu đấu giá do FCC thực hiện thì sẽ làm chậm trễ trong việc đưa phổ tần băng tần C ra thị trường (băng tần quan trọng đối với các nhà mạng di động để triển khai 5G) trong khi Trung Quốc đang tiến lên trong cuộc đua tới 5G.
Mặc dù vậy, trong thư gửi các Thượng nghĩ sỹ Mỹ, Chủ tịch FCC cho biết; Sau nhiều lần cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng, ông cho rằng cách tốt nhất là đấu giá 280 MHz băng tần C do FCC thực hiện và sẽ để lại 200 MHz (4.0-4.2GHz) cho vệ tinh hoạt động mà thôi.
Thế hệ thông tin di động 5Gcó tốc độ cao hơn và giúp các mạng di động phản ứng nhanh hơn (trễ thấp), công nghệ này có thể giúp biến các ứng dụng như xe tự hành thành hiện thực và sẽ mang lại trải nghiệm AR và VR mới cho điện thoại thông minh. Băng tần trung (băng tần C) được coi là quan trọng đối với việc triển khai 5G vì có ưu điểm kết hợp được giữa vùng phủ rộng và tốc độ dữ liệu lớn - Một sự kết hợp hấp dẫn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Không chỉ có Ủy ban Truyền thông FCC Mỹ mà các chính trị gia ở cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, cũng như các nhà mạng di dộng và những người ủng hộ người tiêu dùng đều bày tỏ sự cần thiết của việc FCC sớm đưa phổ tần này ra thị trường. Nhưng làm thế nào để đấu giá phổ tần, đưa ra thị trường lại là một đề tài được tranh luận gay gắt.
Tranh cãi xung quanh đấu giá băng tần C xuất phát từ việc các nhà cung cấp vệ tinh có được phép bán phổ tần hay không. Theo cách tiếp cận của các công ty vệ tinh như Intelsat, Telesat và SES, họ cho rằng việc họ được bán phổ tần đã được cấp phép sẽ đưa phổ tần vào thị trường nhanh hơn. Các nhà cung cấp vệ tinh này đã đề xuất bán phổ tần riêng cho các nhà mạng di động để triển khai 5G. Tuy vậy, một số nhà lập pháp của Quốc hội đã ‘chùn bước” trước khái niệm các công ty tư nhân làm giàu từ việc bán tài sản công. Do đó, họ đã ép FCC thực hiện bán đấu giá phổ tần.
Mặc dù, mọi người đều nhất trí phổ tần băng tần C cần phải sớm được cung cấp ra thị trường nhưng thời điểm phổ tần băng tần C xuất hiện trên thị trường có thể mang lại lợi ích cho một số nhà khai thác di động so với các nhà khai thác di động khác nên cần cân nhắc thận trọng. Ví dụ, việc bán phổ tần nhanh hơn có thể sẽ có lợi cho Verizon, công ty không có nhiều phổ tần để triển khai 5G, nên đang rất “khát” băng tần. Ngược lại, AT & T và T-Mobile, thông qua việc mua lại Sprint đã có một lượng phổ tần tương đối. Vì vậy, việc chậm trễ đấu giá phổ tần băng tần C sẽ cản trở sự phát triển mạng 5G từ đối thủ Verizon.
Chủ tịch FCC ban đầu đã có ý định ủng hộ việc bán đấu giá riêng như đề xuất của Liên minh Vệ tinh, nhưng ngày 18/11/2019, ông đã chính thức tuyên bố "sau nhiều lần cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng hơn, cách tốt nhất là để FCC bán đấu giá phổ tần băng tần C”.
Việc đấu giá băng tần C cho 5G không chỉ liên quan tới Cơ quan Quản lý Viễn thông Hòa Kỳ mà còn nhận được sự quan tâm của cả Hạ viện và Thượng viện Hòa Kỳ.
Đề xuất của ông Ajit Pai được công bố cùng thời điểm với công bố của các thành viên Đảng Cộng hòa Sens: Roger Wicker - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện; Thượng nghị sĩ John Thune - Thành viên Đảng Cộng hòa từ Bang Nam Dakota và Chủ tịch Tiểu ban Truyền thông đã công bố một Dự Luật yêu cầu FCC "tiến hành đấu giá công khai băng tần C để cung cấp ít nhất 280MHz cho 5G." Dự Luật cũng yêu cầu phiên đấu giá sẽ bắt đầu không muộn hơn ngày 31/12/2020.
Ngay sau công bố của chủ tịch FCC, cổ phiếu của Công ty Vệ tinh Intelsat giảm 40%. Điều này là do trước thị trường tin tưởng vào đề xuất của Intelsat với một số công ty vệ tinh khác về phương án đấu giá riêng: Các công ty vệ tinh được phép bán phổ tần cho các nhà mạng di động để triển khai 5G sẽ thu về hàng tỷ đô la, cho phép Intelsat và các công ty vệ tinh sản xuất và phóng vệ tinh mới thay thế giúp hỗ trợ khách hàng đang sử dụng băng tần C chuyển đổi thiết bị. Tuy nhiên với quyết định của FCC, thì đề xuất của Intelsat đã bị phá sản và thị trường đã phản ứng rất tiêu cực bằng việc cổ phiếu của Công ty tiếp tục mất thêm 20% nữa trong ngày hôm sau. Điều này cho thấy giá trị quan trọng của phổ tần vô tuyến đối với sự phát triển các dịch vụ viễn thông và ảnh hưởng to lớn của các quyết định của cơ quan quản lý liên quan đến việc cấp phép và thu hồi phổ tần số vô tuyến tới tương lai của doanh nghiệp viễn thông mạnh mẽ chừng nào.