Cuộc gọi 5G xuyên quốc gia được thực hiện bằng công nghệ chia sẻ phổ tần động đầu tiên trên thế giới

10/12/2019

(rfd.gov.vn)- Nhà khai thác mạng thông tin di động Swisscom của Thụy Sĩ đã hợp tác với nhà khai thác Telstra của Úc thực hiện thành công cuộc gọi 5G xuyên quốc gia bằng công nghệ chia sẻ phổ tần động (Dynamic Spectrum Sharing - DSS) đầu tiên trên thế giới trên mạng thương mại.

Cuộc gọi dữ liệu 5G đã kết nối một người gọi ở thành phố Bern của Thụy Sĩ với một người gọi ở thành phố Gold Coast thuộc tiểu Bang Queensland của Úc, sử dụng công nghệ chia sẻ phổ tần động được triển khai trong các mạng 5G thương mại của Swisscom và Telstra. 

Cuộc gọi được thực hiện bằng cách sử dụng băng tần song công phân chia tần số (FDD) của 3GPP. Nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc OPPO đã cung cấp điện thoại thông minh 5G phiên bản tiền thương mại cho cuộc thử nghiệm này. Phiên bản điện thoại tiền thương mại này sử dụng modem Snapdragon x55 5G của Qualcomm. Được biết, OPPO cũng là nhà sản xuất thiết bị đầu tiên tích hợp chia sẻ phổ tần động của Ericsson trong điện thoại thông minh. Trước đó, vào tháng 8 năm nay, Ericsson đã mô phỏng được một cuộc gọi được thực hiện trong phòng thí nghiệm của mình ở Ottawa - Canada, sử dụng macrocell của Ericsson hỗ trợ cả 4G và 5G.

Ericsson đã và đang thúc đẩy công nghệ này bởi vì nó sẽ cho phép các nhà khai thác triển khai cả 4G và 5G trong cùng một phổ tần số thông qua việc nâng cấp phần mềm. Các nhà khai thác sau đó sẽ có thể phân bổ phổ tần số một cách linh động dựa trên nhu cầu của người dùng và sự chuyển đổi giữa 4G và 5G trong vòng một phần nghìn giây.

Trong khi đó, Verizon - Nhà khai thác di động của Hoa Kỳ đặc biệt lạc quan về công nghệ chia sẻ phổ tần động. Tại Hội nghị Mobile World Congress America 2019 ở Los Angeles hồi đầu năm nay, nhà khai thác mạng này cho biếthọ đã có kế hoạch đưa công nghệ chia sẻ phổ tần động vào mạng trong năm 2020. Họ sẽ sử dụng công nghệ chia sẻ phổ tần động từ ba nhà cung cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm: Ericsson, Samsung và Nokia.

Ông Fredrik Jejdling, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Trưởng bộ phận mạng của Ericsson cho biết: Cuộc gọi 5G xuyên quốc gia giữa Swisscom và Telstra lần này đã chứng minh rằng các nhà khai thác có thể tái sử dụng tài nguyên phổ tần 4G cho 5G. Đây là cách khả thi nhất về mặt kinh tế để triển khai dịch vụ 5G trên các băng tần hiện có, cho phép phủ sóng 5G trên toàn quốc và giúp 5G có thể truy cập trên toàn thế giới.

Swisscom đã triển khai 5G với bốn thiết bị 5G vào tháng 5 năm 2019, sử dụng băng tần 3,6 GHz. Telstra cung cấp 5G tại 25 thành phố với 06 thiết bị 5G sử dụng băng tần 3,6 GHz và dự kiến sẽ triển khai thêm tại 10 thành phố khác vào tháng 6 năm 2020.

Phan Văn Hòa (dịch theo fiercewireless.com)