Các công ty viễn thông của Đài Loan cầu cứu Chính phủ trợ giúp trong cuộc đấu giá phổ tần số dành cho 5G

09/01/2020

(rfd.gov.vn)- Sau gần một tháng thực hiện đấu giá với 165 vòng và thu được 87,4 tỷ đô la Đài Loan (tương đương với 2,91 tỷ đô la Mỹ), cuộc đấu giá phổ tần số dành cho 5G của Đài Loan vẫn chưa hoàn tất và các nhà khai thác đang kêu gọi sự giúp đỡ từ Chính phủ.

Kế hoạch hành động về 5G của Đài Loan

Phát biểu về tình hình đấu giá của 05 nhà khai thác Đài Loan, bà Rachel Liu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Viễn thông Đài Loan (TTIDA) cho biết: "Chuyến tàu đã bị đình trệ và năm hành khách trên tàu đã bị thương".

Vấn đề ở đây là thiếu phổ tần trong băng tần quan trọng dành cho dịch vụ 5G, đó là băng tần 3,5 GHz. Hiện tại, trong băng tần này chỉ cung cấp 270 MHz với mức phân bổ tối đa 100 MHz cho mỗi nhà khai thác, có nghĩa là chỉ có 02 nhà khai thác có thể nhận được phổ tần đầy đủ để triển khai mạng 5G của mình.Trong khi đó, tại Nhật Bản với băng tần 3,5 GHz này, họ đã phân bổ cho 04 nhà khai thác với 100 MHz cho mỗi nhà khai thác.

Do đó đã xảy ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa 05 nhà khai thác, bao gồm: Chunghwa Telecom, FarEasTone, Taiwan Mobile, Asia-Pacific Telecom và Taiwan Star.

Tổng giá bỏ thầu đã vượt quá mục tiêu 44 tỷ đô la Đài Loan (1,47 tỷ đô la Mỹ) do Ủy ban Truyền thông quốc gia (NCC) đặt ra, cũng như dự báo 60 tỷ đô la Đài Loan (02 tỷ đô la Mỹ) của các nhà phân tích.

Phiên đấu giá bắt đầu vào ngày 10/12/2019 với ba khối phổ tần được cung cấp, bao gồm: 270 MHz ở băng tần 3,5 GHz, 2500 MHz ở băng tần 28 GHz và 20 MHz ở băng tần 1800 MHz.

Đến nay, các nhà khai thác đã trả 85,8 tỷ đô la Đài Loan cho băng tần 3,5 GHz và 1,6 tỷ đô la Đài Loan cho băng tần 28 GHz.Trong khi đó, phiên đấu giá băng tần 1800 MHz đã bị phá sản, không nhận được một giá thầu nào.

Điều đó có thể vì các nhà khai thác đã quá tập trung sự chú ý vào băng tần 3,5 GHz, băng tần mà họ xem là quan trọng cho các dịch vụ 5G. Tuy nhiên, quan điểm của NCC thì cho rằng, họ thấy băng tần 1800 MHz là một phần quan trọng của 5G và NCC cho biết, họ hy vọng các nhà khai thác sẽ sử dụng băng tần 3,5 GHz cho đường xuống và băng tần 1800 MHz cho đường lên.

Một số tiền lớn đã bỏ ra trong cuộc đấu giá đang làm tăng sự lo lắng trong toàn ngành công nghiệp. Các nhà khai thác đã bị mất nhuệ khí bởi sự thúc giục triển khai 5G vào năm ngoái khi Chính phủ cố gắng theo kịp các đối thủ trong khu vực như Nhật Bản và Singapore, nơi các dịch vụ 5G dự kiến ​​sẽ ra mắt vào giữa năm 2020.

Tâm trạng của họ đã không được Bộ Kinh tế giúp đỡ bằng việc đưa ra phổ tần số cho doanh nghiệp sử dụng trong khi đó lại đẩy các nhà khai thác qua một cuộc đấu giá căng thẳng và tốn kém.

Một cuộc khảo sát của Viện Chính sách địa phương thuộc Quỹ Tài trợ Thế kỷ 21 cho thấy, 73% người dân sẽ không trả nhiều hơn 1.000 đô la Đài Loan (33,28 đô la Mỹ) một tháng cho dịch vụ 5G, tương đương với chi phí của một hợp đồng 4G tầm trung. Qua đó cho thấy, người tiêu dùng cũng không quá nhiệt tình đối với dịch vụ 5G.

Bà Rachel Liu của TTIDA cho biết: 80% giá trị của 5G sẽ nằm theo chiều dọc và kêu gọi Chính phủ hành động kịp thời để bù đắp cho giá phổ tần quá cao. Bà nói rằng: Phổ tần 5G nên được miễn phí sử dụng.

Ngoài ra, các công ty viễn thông cần Chính phủ cung cấp các ưu đãi để thúc đẩy các dịch vụ theo chiều dọc và vì thời gian biểu cho việc triển khai 5G ngắn, các nhà khai thác nên có thêm thời gian để xây dựng quan hệ đối tác theo chiều dọc trước khi cung cấp phổ tần 5G cho doanh nghiệp sử dụng.

 

Phan Văn Hòa (dịch theo lightreading.com)