Hơn một nửa dân số thế giới sẽ được phủ sóng 5G vào năm 2025

12/01/2021

(rfd.gov.vn)- Theo phân tích của trang web so sánh tài chính nổi tiếng Bankr của Hà Lan, vào năm 2025 sẽ có khoảng 4,1 tỷ người, chiếm 53% dân số thế giới được tiếp cận với vùng phủ sóng 5G.

Dự báo dân số trên thế giới được phủ sóng 5G trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2025  (Nguồn: Ericsson, Bankr.nl)

Trước đó, trong Báo cáo về di động của Ericsson được công bố cho thấy, đến cuối năm 2020 đã có hơn 1 tỷ người, chiếm khoảng 15% dân số thế giới được tiếp cận với vùng phủ sóng 5G.

Để đưa ra dự báo về sự phát triển của vùng phủ sóng 5G trên thế giới trong 4 năm tới, Bankr đã thực hiện phân tích dựa trên dữ liệu trạm gốc 5G được lắp đặt do Ericsson cung cấp kết hợp với phạm vi phủ sóng ước tính trên mỗi trạm gốc. Qua đó, Bankr ước tính rằng, đến năm 2022 dân số được phủ sóng 5G trên thế giới sẽ tăng gấp đôi so với năm 2020 và đạt 2,5 tỷ người. Đến năm 2025, 4,14 tỷ người sẽ có thể được sử dụng dịch vụ 5G, chiếm 53% dân số thế giới.

Các nhà phân tích lưu ý rằng, một số khu vực ở châu Á, Mỹ và châu Âu đang thúc đẩy việc mở rộng dịch vụ 5G. Hiện khu vực châu Á đang dẫn đầu trong việc triển khai 5G so với các khu vực khác trên thế giới. Trong khi đó, Mỹ đang phát triển các chính sách để đảm bảo rằng khoảng cách kỹ thuật số không trở nên sâu sắc hơn khi 5G mở rộng.

Công ty nghiên cứu thị trường Forrester của Mỹ dự đoán rằng, các nhà khai thác di động lớn của Mỹ sẽ không đáp ứng được nhu cầu về vùng phủ sóng 5G cho người dùng trên toàn quốc và các mạng 5G dùng riêng do các công ty triển khai để phục vụ nhu cầu kết nối nội bộ sẽ lấp đầy khoảng trống đó. Vào năm 2021, Forrester dự đoán, mạng 5G dùng riêng sẽ được sử dụng để tự động hóa nhà máy, sử dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để kiểm tra, giám sát từ xa, quản lý chất lượng, điều khiển từ xa, bảo trì dự đoán và đảm bảo an toàn cho nhân viên.

Việc triển khai mạng 5G bị chậm lại phần nào trong năm 2020 do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Công ty phân tích thị trường Gartner dự đoán rằng, các khoản đầu tư vào 5G sẽ phục hồi phần nào trong năm 2021 và việc xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G sẽ vượt qua mạng 4G LTE vào năm 2022.

Liên quan đến việc triển khai mạng 5G độc lập, ông Kosei Takiishi - Giám đốc nghiên cứu cấp cao tại Gartner cho rằng, các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) sẽ dần dần bổ sung các khả năng độc lập cho các mạng 5G không độc lập của họ và đến năm 2023, 15% CSP trên toàn thế giới sẽ vận hành các mạng 5G độc lập không dựa vào cơ sở hạ tầng mạng 4G.

Vấn đề bảo mật cho các dịch vụ 5G cũng đang là thách thức lớn đối với các CSP khi triển khai mạng 5G độc lập. Công ty an ninh mạng toàn cầu Positive Technologies đã xác định một số lỗ hổng tiềm ẩn trong các mạng 5G độc lập có thể dẫn đến việc từ chối dịch vụ của khách hàng và ảnh hưởng đến sự vận hành mạng lưới. 

Một khảo sát được thực hiện bởi công ty an ninh mạng AT&T Cybersecurity cho thấy, 83% số người được hỏi cho biết các cuộc tấn công ứng dụng dựa trên web sẽ là một thách thức khi triển khai 5G.

Phan Văn Hòa

(Theo techrepublic.com)