Phiên đấu giá phổ tần 5G lần này có sự tham gia của 4 nhà khai thác di động của Anh, bao gồm: EE, Three, O2 và Vodafone để cùng nhau chia sẻ 80 MHz ở băng tần 700 MHz (trong đó 60 MHz sử dụng phương thức song công phân chia theo tần số (FDD) và 20 MHz chỉ dành bổ sung cho đường xuống) và 120 MHz ở băng tần 3,6 GHz - 3,8 GHz. Giá khởi điểm được Ofcom đưa ra cho tổng cộng 200 MHz phổ tần trong phiên đấu giá lần này là 1,1 tỷ bảng Anh.
Kết quả, nhà khai thác di động EE đã dành được lượng phổ tần lớn nhất với 2 khối (2 × 10 MHz) trong băng tần 700 MHz với chi phí 280 triệu bảng Anh; 20 MHz của băng tần 700 MHz chỉ dành bổ sung cho đường xuống với chi phí 4 triệu bảng Anh và 40 MHz ở băng tần 3,6-3,8 GHz với chi phí 168 triệu bảng Anh.
Tiếp theo là nhà khai thác di động O2 cũng dành được 2 khối (2 × 10 MHz) trong băng tần 700 MHz với chi phí 280 triệu bảng Anh và 40 MHz ở băng tần 3,6-3,8 GHz với chi phí 168 triệu bảng Anh.
Trong khi đó, hai nhà khai thác di động còn lại là Three và Vodafone, mỗi nhà khai thác chỉ dành được phổ tần số trong một băng tần duy nhất. Cụ thể, O2 chỉ dành được 2 khối (2 × 10 MHz) trong băng tần 700 MHz với chi phí 280 triệu bảng Anh còn Vodafone chỉ dành được 40 MHz ở băng tần 3,6-3,8 GHz với chi phí 176,4 triệu bảng Anh.
Tổng số tiền thu được trong phiên đấu giá phổ tần số dành cho 5G lần này của Vương quốc Anh ít hơn một nửa so với kỳ vọng ban đầu (3 tỷ bảng Anh) của các nhà phân tích.
Theo quy định mà Ofcom đưa ra thì sau khi kết thúc giai đoạn chính, phiên đấu giá sẽ chuyển sang giai đoạn ấn định, bao gồm một vòng đấu thầu duy nhất, tại đó các nhà khai thác sẽ đấu thầu các vị trí tần số mà họ mong muốn trong các băng tần và lượng phổ tần dành được ở giai đoạn chính. Tức là trong giai đoạn này, các nhà khai thác di động sẽ có cơ hội thương lượng các vị trí tần số với nhau nhằm có được phổ tần liền kề.
Nhà phân tích Kester Mann của Công ty chuyên nghiên cứu và dự báo thị trường công nghệ CCS Insight cho biết: “Việc đấu giá kết thúc nhanh chóng và mức chi phí tổng thể tương đối khiêm tốn là tin tốt cho mạng 5G của Vương quốc Anh. Vương quốc Anh đã nhanh chóng vượt lên các quốc gia ở châu Âu để triển khai mạng 5G sớm vào năm 2019, nhưng tiến độ đã bị cản trở bởi lệnh cấm của Chính phủ đối với nhà cung cấp thiết bị viễn thông Huawei”.
Về phía mình, các nhà khai thác di động của Vương quốc Anh đều bày tỏ sự vui mừng về kết quả đấu giá và cho rằng mức giá vừa qua là phù hợp để đảm bảo cho các nhà khai thác di động của Anh tiếp tục mở rộng đầu tư và phát triển mạng lưới 5G của mình.
Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu New Street Research thì mức phí mà các nhà khai thác di động phải trả cho băng tần 700 MHz và băng tần 3,6 – 3,8 GHz tại Vương quốc Anh trong phiên đấu giá vừa qua là khá thấp so với mức trung bình tại châu Âu. Cụ thể, trong băng tần 700 MHz thì mức phí phải trả chỉ 0,27 euro/MHz/người (0,27 euro/MHz/Pop) so với mức trung bình của châu Âu là 0,47 euro/MHz/người; còn trong băng tần 3,6 – 3,8 GHz thì mức phí phải trả chỉ 0,08 euro/MHz/người so với mức trung bình của châu Âu là 0,19 euro/MHz/người.
Trước đó, vào năm 2019, các công ty viễn thông của Vương quốc Anh cũng đã dành được phổ tần trong băng tần 3,4 GHz thông qua một phiên đấu giá để cung cấp dịch vụ 5G. Trong đó, nhà mạng Vodafone giành được 50 MHz với mức giá 378 triệu bảng Anh, nhà mạng EE đã giành được 40 MHz với mức giá 303 triệu bảng Anh, nhà mạng O2 dành được 40 MHz với mức giá 318 triệu bảng Anh, nhà mạng Three chỉ dành được 20 MHz với mức giá 151,3 triệu bảng Anh.
Với việc cấp phép phổ tần trong băng tần 3,4 GHz cho các nhà mạng di động, đã đưa Vương quốc Anh trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Âu triển khai mạng di động 5G thương mại vào năm 2019. Đến nay, bốn nhà khai thác di động của nước này bao gồm Vodafone, EE, O2 và Three đã triển khai công nghệ 5G tại các thành phố chính của Vương quốc Anh và ở một số thành phố vừa và nhỏ.