Các cuộc đấu giá phổ tần dành cho 5G sẽ được thực hiện trên toàn cầu trong thời gian tới

19/05/2021

(rfd.gov.vn)- Năm 2020 được xem là một năm đầy biến động đối với cả các nhà khai thác di động và các cơ quan quản lý phổ tần khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã làm gián đoạn các cuộc đấu giá phổ tần số dành cho 5G tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc trì hoãn các cuộc đấu giá phổ tần dành cho 5G trong năm 2020 đã buộc các nhà quản lý phổ tần phải xem xét và lên kế hoạch thúc đẩy tổ chức các cuộc đấu giá trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện cho các nhà khai thác di động có lượng phổ tần cần thiết để triển khai mạng 5G theo kế hoạch.

Sau đây là danh sách các cuộc đấu giá đã được lên kế hoạch và sắp diễn ra trên toàn thế giới ở cả 3 băng tần: Băng tần thấp (low - band), băng tần trung (mid - band) và băng tần cao (high - band hay còn gọi là băng tần mmWave).

Băng tần thấp (dưới 1 GHz)

Các cuộc đấu giá phổ tần số trong băng tần thấp, chủ yếu ở băng tần 700 MHz, sẽ được tổ chức tại 32 thị trường trên thế giới trong những năm tới. Các thị trường ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ban đầu dự định phát hành phổ tần trong băng 700 MHz vào năm ngoái để tuân thủ thời hạn áp dụng tiêu chuẩn APT700 cho 4G vào năm 2020. Các thị trường châu Âu cũng bị ràng buộc tương tự bởi thời hạn năm 2020 đối với băng tần này, ngoại trừ 5G được quy định trong Kế hoạch đấu giá 5G của Liên minh Châu Âu.

Đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai đấu giá của các quốc gia, đó là lý do tại sao một số cuộc đấu giá cho băng tần 700 MHz vẫn được đưa vào kế hoạch năm 2021. Vì băng tần này có thể được sử dụng cho cả 4G và 5G, nên một số thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Caribbean đã thống nhất tổ chức các cuộc đấu giá băng tần 700 MHz cho cả công nghệ 4G và 5G hoặc trung lập về công nghệ.

Ấn Độ là một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng kế hoạch nhằm phân bổ phổ tần số trong băng tần thấp cho các nhà khai thác di động trong năm 2020. Theo đó, Cơ quan quản lý phổ tần nước này đã dành riêng một lượng phổ tần trong các băng tần 700 MHz, 800 MHz và 900 MHz cho các nhà khai thác để giúp giảm bớt sự thiếu hụt phổ tần đang diễn ra tại quố gia này. Tuy nhiên, các cuộc đấu giá đã bị hoãn sang năm 2021 do các nhà khai thác di động Ấn Độ gặp khó khăn trong vấn đề tài chính kèm với đó là những phàn nàn về mức phí đấu giá mà chính phủ đưa ra quá cao.

Trong khi đó, Malaysia đã cấp phép ở băng tần 700 MHz cho các nhà khai thác di động vào tháng 5 năm 2020, nhưng các giấy phép này đã bị thu hồi chỉ sau đó một tháng do có những khiếu nại từ các nhà khai thác địa phương. Hiện Malaysia đang lên kế hoạch để tổ chức đấu giá phổ tần số ở băng tần 700 MHz trong năm nay.

Tại Mexico, băng tần 700 MHz đã được dành cho nhà mạng bán buôn Red Compartida, vì vậy cơ quan quản lý phổ tần nước này đã chuyển băng tần thấp dành cho 5G sang băng tần 600 MHz. Được biết, Mexico và Hồng Kông là những thị trường duy nhất cho đến nay tổ chức đấu giá băng tần 600 MHz để sử dụng cho 5G. Tại Hoa Kỳ, băng tần 600 MHz cũng được sử dụng cho các mạng 5G của các công ty viễn thông GCI LLC, T-Mobile US Inc. và United States Cellular Corp.

Các cuộc đấu giá phổ tần số trong băng tần thấp sắp tới

Băng tần trung (từ 1 GHz đến 6 GHz)

Hầu hết các cuộc đấu giá băng tần bị lỡ hẹn trong năm 2020 đều nằm trong băng tần trung dành cho 5G, cụ thể là ở băng tần 3,5 GHz – đây là băng tần đáp ứng được các yêu cầu của các nhà khai thác di động về vùng phủ sóng và dung lượng mạng.

Châu Âu là khu vực có nhiều quốc gia triển khai 5G trong băng tần 3,5 GHz, đã chứng kiến ​​làn sóng các quốc gia hoãn đấu giá đến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 như Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Pháp và Bồ Đào Nha cùng nhiều quốc gia khác. Riêng Hungary đã hoàn thành cuộc đấu giá phổ tần trong các băng tần 700 MHz, 2,1 GHz và 3,5 GHz vào tháng 3 năm 2020 trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở khu vực này.

Năm 2020, kế hoạch triển khai cho 5G của nhiều nhà khai thác di động đã bị ảnh hưởng do việc trì hoãn đấu giá băng tần 3,5 GHz. Trong khi đó, có một số nhà khai thác khác (chẳng hạn như ở Brazil) đã linh hoạt hơn khi áp dụng công nghệ chia sẽ phổ tần động (DSS: Dynamic Spectrum Sharing) trong khi chờ đợi phân bổ phổ tần 3,5 GHz cho 5G. Đó là, sử dụng phổ tần trong băng tần thấp và trung như băng 700 MHz, 1,8 GHz và 2,6 GHz làm băng tần thay thế cho 5G.

Công nghệ DSS và sự hết hạn của giấy phép phổ tần cũ là những yếu tố làm tăng số lượng thị trường có kế hoạch đấu giá băng tần trung trừ băng tần 3,5 GHz. Theo số liệu khảo sát cho thấy, có ít nhất 35 quốc gia trên toàn thế giới đã lên kế hoạch đấu giá phổ tần số trong băng tần trung trong những năm tới.

Gần đây, Hoa Kỳ đã tổ chức hai cuộc đấu giá phổ tần số trong băng tần trung bao gồm băng tần CBRS (3,5 GHz đến 3,7 GHz) và băng tần C (3,7 GHz đến 4,2 GHz). Đặc biệt cuộc đấu giá trong băng tần C vừa kết thúc giai đoạn 1 vào đầu năm 2021 đã thu về cho ngân sách chính phủ một số tiền kỷ lục lên tới 80,9 tỷ USD. Phiên đấu giá băng tần 2,6 GHz đang trong giai đoạn tham vấn. Canada cũng đang có kế hoạch bán đấu giá băng tần 3,5 GHz trong năm nay.

Các cuộc đấu giá phổ tần số trong băng tần trung sắp tới

Băng tần cao (trên 24 GHz)

Cho đến nay, chỉ có 16 quốc gia đã xác nhận kế hoạch bán đấu giá phổ tần số trong băng tần mmWave, chủ yếu nằm trong băng tần 26 GHz đã được phê chuẩn chính thức của Liên minh Viễn thông Quốc tế.

Phổ tần số trong các băng tần mmWave có số quốc gia quan tâm ít hơn so với phổ tần số trong băng tần thấp và trung, mặc dù Liên minh Viễn thông Quốc tế đã phê duyệt việc sử dụng chúng cho các dịch vụ di động vào tháng 11 năm 2019. Ngoài việc hệ sinh thái mới và chưa phát triển, các băng tần mmWave còn đặt ra các vấn đề chi phí đáng kể liên quan đến mật độ trạm phát sóng và mức tiêu thụ điện năng, vì vậy băng tần này chưa được sự quan tâm nhiều từ các nhà khai thác di động.

Các cuộc tham vấn được thực hiện tại một số thị trường như Chile, Cyprus và Ba Lan đã cho kết quả không khả quan, các nhà mạng có rất ít hoặc không có nhu cầu về phổ tần trong băng tần này, khiến các nhà quản lý phổ tần phải hủy bỏ các cuộc đấu giá đề xuất cho các băng tần này. 

Vào tháng 3 năm 2019, cơ quan quản lý phổ tần Hồng Kông đã quyết định bỏ qua quy trình đấu giá theo kế hoạch và cấp phép miễn phí phổ tần trong các băng tần 26 GHz và 28 GHz cho các nhà khai thác di động do thiếu nhu cầu.

Bắc Mỹ dường như là khu vực duy nhất mà phổ tần trong băng tần mmWave rất được yêu thích. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã đấu giá thành công giấy phép ở các băng tần 37 GHz, 39 GHz và 47 GHz sau khi phân bổ thành công các băng tần 24 GHz và 28 GHz trong những năm trước. Canada cũng đã ấn định các băng tần 26 GHz, 28 GHz, 37 GHz-40 GHz và 64 GHz-71 GHz là các băng tần ưu tiên cao sẽ được đưa ra đấu giá bắt đầu từ năm nay.

Các cuộc đấu giá phổ tần số trong băng tần cao sắp tới

Phan Văn Hòa

(Theo spglobal.com)