Băng tần C là băng tần quan trọng nhất cho 5G

14/01/2020

(rfd.gov.vn)- Đó là nhận định của Hiệp hội các nhà cung cấp điện thoại di động toàn cầu (GSA) vừa đưa ra trong một báo cáo mới đây. Báo cáo cũng chỉ rõ, băng tần C được định hướng là trung tâm của 5G.


Trong một báo cáo mới đây về việc đánh giá phổ tần số trong băng tần C trên phạm vi tòan cầu, GSA cho rằng: Các cuộc đấu giá và phân bổ tần số trong băng tần C ngày càng trở nên dày hơn và nhanh hơn trong vài năm qua. Trong lịch sử, dải tần số trong băng tần C (từ 3,3 GHz đến 4,2 GHz) đã được sử dụng cho các dịch vụ vô tuyến cố định, vệ tinh hoặc các cơ quan chính phủ/quân đội trên toàn thế giới. Hiện nay, đây là dải tần số mang lại sự cân bằng tối ưu giữa vùng phủ sóng và dung lượng mạng. Các ứng dụng 5G phù hợp với băng tần C bao gồm thực tế tăng cường/thực tế ảo (AR/VR), video độ phân giải cực cao (UHD), nhà thông minh, sản xuất thông minh, chăm sóc sức khỏe và các thiết bị không người lái.


Theo GSA, kể từ năm 2015, Hiệp hội đã xác định được 23 quốc gia đã bán đấu giá hoặc phân bổ phổ tần băng C với ý định sử dụng dải tần số này cho băng rộng di động và 5G. Các quốc gia đầu tiên đấu giá hoặc phân bổ phổ tần băng tần C cho 5G trong đó có: Úc, Ý, Đức, Phần Lan, Hàn Quốc và Vương quốc Anh; Pháp đã phê duyệt một kế hoạch để cấp phép trong thời gian tới.

GSA cho biết, nhiều dải tần số trong băng tần C đang được sử dụng trên toàn thế giới cho các dịch vụ vô tuyến với việc phân bổ và đấu giá dự kiến ​​sẽ tăng nhanh trong những tháng tới. Ngoài việc phân bổ phổ tần của Pháp, GSA còn xác định gần 30 quốc gia khác sắp tới sẽ đấu giá hoặc phân bổ mới hoặc bổ sung cho dải tần giữa này, bao gồm: Bỉ, Brazil, Hy Lạp, Hungary, Israel, Ấn Độ, Mexico, Na Uy, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Nam Phi và Thụy Điển.

Riêng tại Hoa Kỳ, sau nhiều tháng tranh luận về việc băng tần C được phân bổ như thế nào - do băng tần C hiện đang được sử dụng bởi các công ty vệ tinh để cung cấp các nội dung phát thanh, truyền hình cho người dân Hoa Kỳ - Chủ tịch Ủy ban Truyền thông liên bang Hoa Kỳ (FCC), ông Ajit Pai đã đưa ra ý định bán đấu giá công khai 280 MHz trong băng tần C vào cuối năm 2020.
 

Một điều thú vị xảy ra đối với Hoa Kỳ, đó là Liên minh Vệ tinh (C-Band Alliance (CBA)) trước đây phản đối việc FCC đưa ra đấu gia băng tần C thì gần đây lại đồng ý hợp tác với FCC để phát triển một kế hoạch nhằm khuyến khích sự chuyển đổi nhanh chóng 280 MHz trong băng tần C thông qua đấu giá công khai trong khi vẫn bảo vệ quyền của các nhà khai thác vệ tinh và đảm bảo tính liên tục của dịch vụ băng tần C cho các khách hàng vệ tinh hiện có.

Trong các cuộc họp gần đây với FCC, CBA đã thảo luận về cách thức phối hợp phù hợp nhất để đảm bảo quá trình chuyển đổi được thực hiện nhanh chóng, bao gồm việc phối hợp để giải phóng phổ tần số ở cả phía mặt đất và vệ tinh để có thể dùng cho 5G.
 

Ở Trung Đông, Tập đoàn Quản lý Phổ tần Ả Rập gần đây cũng đã quyết định phân bổ phổ tần 3,3-3,8 GHz hoặc 3,4-3,8 GHz, tùy thuộc vào quốc gia cho các dịch vụ 5G.
 

Đánh giá về chi phí mà các nhà khai thác di động phải trả cho giấy phép trong băng tần C, GSA cho biết rằng, chi phí mà các nhà khai thác phải trả sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh, lượng phổ phù hợp mà họ đã nắm giữ, khoảng thời gian sử dụng giấy phép, các yêu cầu về phạm vi vùng phủ sóng, hiệu suất mạng và số tiền chi tiêu của mỗi khách hàng dành cho dịch vụ di động tại quốc gia liên quan. 
 

GSA cũng đã đưa ra một số ví dụ về mức phí tại một số nước trên thế giới như sau: Các khoản phí phải trả từ 0,002 đô la/MHz/người (0,002 đô la/MHz/Pop) tại Slovakia, Na Uy, Romania và lên đến 0,424 đô la/MHz/người tại Ý. Việc phân bổ băng tần C tại Pháp trong thời gian tới dự kiến cũng có mức phí phải trả sẽ nằm trong phạm vi này. Pháp đã phê duyệt một quy trình bất thường để phân bổ giấy phép trong băng tần C khoảng từ 3.410 MHz đến 3.800 MHz. Trong quy trình phân bổ ban đầu, bốn khối 50 MHz sẽ có sẵn với mức giá cố định là 350 triệu euro mỗi khối (tức 0,17 đô la/MHz/người). Với mức giá này, Pháp sẽ có mức giá nằm giữa Vương quốc Anh và Hồng Kông. Sau đó, các khối 10 MHz bổ sung sẽ được đưa ra đấu giá với mức giá khởi điểm là 70 triệu euro cho các mỗi khối 10 MHz.
 

Tại khu vực Châu Á, Indonesia đang nỗ lực đáng kể để tối ưu hóa việc sử dụng băng tần 3,5 GHz cho 5G do đang sử dụng vệ tinh trên toàn quần đảo Indonesia. Indonesia đã thực hiện thử nghiệm 5G trong nhà và ngoài trời kể từ năm 2017. Lào đang chuẩn bị tiến lên với 5G và xem xét thời hạn để triển khai mạng 5G cũng như xác định nhu cầu của người dùng. Còn Myanmar đã dành băng 3,4 - 3,6 GHz cho sử dụng IMT/5G. Tại Phillipines, hai nhà mạng Smart and Globe Telecom mỗi nhà mạng có 60 MHz của băng tần 3,5 GHz và sử dụng nó để triển khai 5G. Tại Singapore, băng tần 3,5 GHz hiện đang được sử dụng rộng rãi cho thông tin vệ tinh, nhưng Cơ quan Phát triển Truyền thông Singapore (IMDA) có kế hoạch cung cấp băng tần này để triển khai 5G sớm nhất vào năm 2021. Thái Lan cũng đã sẵn sàng sử dụng băng 3,5 GHz cho 5G.
 

Tại Việt Nam, băng tần C là một trong số băng tần đang được nghiên cứu để quy hoạch cho phát triển mạng 5G.

Tài liệu tham khảo:

https://www.rcrwireless.com/20200106/spectrum/gsa-c-band-is-most-important-spectrum-band-for-5g

https://gsacom.com/paper/c-band-spectrum-auctions-january-2020/?utm=reports5g

https://www.fiercewireless.com/wireless/gsa-identifies-23-countries-divvying-up-c-band-spectrum

http://ictvietnam.vn/tieu-diem/tim-loi-giai-cho-5g-tai-viet-nam-va-cac-nuoc-asean.htm

 

Phan Văn Hòa