5G sẽ nhanh chóng trở thành một công nghệ có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả mọi người trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Việc triển khai 5G đã được các quốc gia trên thế giới quan tâm và đẩy mạnh trong năm 2020 mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) cho thấy, tính đến giữa tháng 12 năm 2020, trên toàn cầu đã có 135 nhà khai thác di động triển khai mạng 5G thương mại tại 58 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Bước vào năm 2021, các nhà khai thác di động sẽ sớm vận hành các mạng dựa vào nền tảng điện toán đám mây để phát huy hết tiềm năng của 5G. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Amazon, Google và Oracle đang hợp tác với các nhà khai thác di động để triển khai Mạng truy cập vô tuyến mở (ORAN: Open Radio Access Network) và mang lại công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp. Trên thực tế, tính khả dụng của ORAN và các nền tảng điện toán biên đang thúc đẩy tăng trưởng trên toàn thế giới. Nhiều nhà cung cấp đang bắt đầu cung cấp các giải pháp đổi mới sáng tạo, đồng thời tiếp tục cắt giảm chi phí trong quá trình mở rộng các dịch vụ.
Mạng dựa trên kiến trúc ORAN đầu tiên đã được công bố và bắt đầu triển khai tại một số quốc gia trên thế giới. Vào tháng 4 năm 2020, nhà mạng Dish Networks của Hoa Kỳ đã công bố sẽ triển khai mạng 5G dựa trên kiến trúc độc lập (5G SA: 5G Standalone) sử dụng kiến trúc ORAN. Trong khi ở Nhật Bản, nhà mạng Rakuten đã nâng cấp trải nghiệm cho người dùng ở các thành phố lớn với khả năng truy cập mạng ORAN 5G. Một loạt các ứng dụng mới dựa trên độ trễ thấp và băng thông cao sẽ cho phép người dùng nhanh chóng truy cập và trải nghiệm các ứng dụng mới. Sự thành công của những triển khai đó đang khiến nhiều doanh nghiệp cân nhắc việc áp dụng các mạng với kiến trúc mở thay vì các kiến trúc mạng như hiện nay.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà khai thác đều nhận ra rằng các mạng 5G dựa trên kiến trúc mở này sẽ không thúc đẩy sự quan tâm của người dùng hoặc trực tiếp tạo ra doanh thu cao hơn trên mỗi người dùng nhưng nó sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng cao về các ứng dụng mới trong doanh nghiệp. Do sự phát triển trong quá trình chuyển đổi số và xu hướng chuyển sang các mạng điều khiển bằng phần mềm, các doanh nghiệp sẽ ngày càng quan tâm và đầu tư vào các mạng dùng riêng 5G để trải nghiệm tốc độ cao hơn, ứng dụng các tính năng mới hơn.
Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận chuyển đổi số để hỗ trợ hoặc thực thi các chính sách làm việc từ xa. Lực lượng lao động toàn cầu hiện phụ thuộc rất lớn vào các dịch vụ kỹ thuật số và các công cụ cộng tác mới, điều này đã có ảnh hưởng lớn đến cơ sở hạ tầng internet toàn cầu. Các công ty viễn thông đã và đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng mới để hỗ trợ nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng lên và việc triển khai 5G là một phần quan trọng trong nỗ lực này.
Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung đầu tư và thúc đẩy việc triển khai 5G. Tính đến giữa tháng 12 năm 2020, trên toàn cầu đã có 412 nhà khai thác tại 131 quốc gia / vùng lãnh thổ đã đầu tư vào 5G. Bên cạnh đó, phổ tần cần thiết cho việc triển khai 5G cũng đã có sẵn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Các nhà mạng triển khai sớm 5G hiện đang tập trung vào việc triển khai các mạng 5G trong băng tần thấp (dưới 1 GHz) và băng tần trung (từ 1 GHz – 6 GHz) nhằm đáp ứng yêu cầu vùng phủ sóng rộng và cung cấp tốc độ cao trên một phạm vi rộng. Trong đó, việc triển khai mạng 5G trong băng tần trung sẽ được sử dụng để phục vụ các khu vực đô thị, nơi cần nhiều kết nối hơn để hỗ trợ tốc độ cao hơn cho nhiều người dùng hơn. Khi mạng 5G được mở rộng, việc triển khai mạng 5G trong băng tần cao (băng mmWave) sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu lớn ở các khu vực có mật độ người dùng cực cao, chẳng hạn như khu đô thị, các trung tâm mua sắm, nơi diễn ra các sự kiện lớn và mạng 5G dùng riêng trong các doanh nghiệp.
Trong thực tế, một số ứng dụng tiên tiến mới sẽ tận dụng độ trễ thấp và tốc độ cao của mạng 5G để cung cấp các khả năng và giải pháp video mới cho các doanh nghiệp. Khi đại dịch Covid-19 qua đi, các hoạt động trong cộng đồng như hoạt động thể thao, các sự kiện lớn sẽ quay trở lại, nhiều đô thị có kế hoạch sử dụng các giải pháp 5G để đưa người tiêu dùng trở lại với nhau nhằm thưởng thức các sự kiện lớn diễn ra ngoài trời. Nhà cung cấp thiết bị viễn thông Nokia đã tiên phong trong việc cung cấp cho người dùng tính năng phát sóng trực tiếp chất lượng siêu cao (UHD) và công nghệ thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) dựa trên mạng 5G để mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho khán giả.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực như sản xuất thông minh, nhà máy thông minh, giao thông thông minh và một số lĩnh vực khác có thể thiết lập các mạng 5G dùng riêng để tạo ra một mạng cục bộ tốc độ cao, cung cấp các dịch vụ truyền thông an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả tại chỗ cho các thiết bị thông minh. Hơn nữa, việc phủ sóng 5G đến các khu vực nông thôn nơi mà mạng truyền dẫn cáp quang bị hạn chế sẽ mang lại lợi ích cho các cộng đồng nông thôn và nhu cầu hoạt động của các doanh nghiệp ở các lĩnh vực, chẳng hạn như nông nghiệp và dầu mỏ hoặc khai thác mỏ.
Đồng thời với những phát triển này, công nghệ điện toán đám mây cũng đang phát triển để thích ứng với việc triển khai 5G. Trong vài năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục thấy các nhà khai thác viễn thông hợp tác với các nhà cung cấp đám mây để cung cấp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp khả năng tiếp cận các dịch vụ mới.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.rcrwireless.com.
- A. Zakeri1; N. Gholipoor; M. Tajallifar; S. Ebrahimi; M. R. Javan; N. Mokari; A. R. Sharafat: Digital Transformation via 5G: Develoyment Plans.
- GSA: 2020 Review: 5G Spectrum, Networks and Devices.