Theo dữ liệu từ Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc, sau giai đoạn đầu nhu cầu đăng ký mạng 5G tăng lên thì tốc độ tăng trưởng thuê bao đã giảm hàng tháng xuống còn 9,3% trong tháng 11 năm ngoái.
Ba nhà khai thác di động của Hàn Quốc bao gồm: SK Telecom, KT và LG Uplus đã triển khai mạng 5G thương mại vào tháng 4 năm ngoái và đã tích cực quảng bá dịch vụ mới của họ cho điện thoại thông minh cao cấp. Tuy nhiên, nhu cầu đăng ký 5G dường như bị ảnh hưởng tiêu cực trong những tháng cuối năm 2019 do sự thiếu hụt các mẫu điện thoại thông minh 5G, sự thiếu hụt ngân sách tiếp thị và vùng phủ sóng không ổn định.
Sau khi ra mắt thương mại dịch vụ 5G, có hơn 500.000 người đăng ký mỗi tháng, đạt mức cao nhất vào tháng 8/2019 với 882.831 người đăng ký. Tuy nhiên, trong những tháng tiếp theo, số người đăng ký bắt đầu giảm tương ứng với 672.248 người và 516.048 người đăng ký mới trong tháng 9 và tháng 10.
Theo tờ Thời báo Hàn Quốc dẫn lời một quan chức từ một công ty viễn thông lớn cho biết: “Có một khoản tiền lớn dành cho tiếp thị để thu hút khách hàng 5G ban đầu. Thay vì tham gia cạnh tranh về giá, giờ đây chúng tôi sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng của mạng 5G để thu hút khách hàng”.
Trong khi đó, một quan chức từ một công ty viễn thông lớn khác đưa ra nhận định: “Rất khó để tăng số lượng các trạm gốc di động và nâng cao chất lượng trong ngắn hạn. Sẽ mất khoảng ba năm nữa để xây dựng thêm các trạm gốc để cung cấp vùng phủ sóng ổn định. Chúng tôi cũng gặp phải một vấn đề tương tự khi lần đầu tiên triển khai mạng LTE”.
Tính đến cuối năm 2019, cả ba nhà khai thác đã triển khai khoảng 95.000 trạm gốc 5G trên toàn quốc. Ba công ty viễn thông Hàn Quốc đã triển khai dịch vụ thương mại 5G giới hạn vào tháng 12 năm 2018 như một phần của thỏa thuận với Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc về việc triển khai đồng thời để tránh cạnh tranh quá mức. Ba nhà khai thác di động ban đầu chỉ triển khai dịch vụ 5G tại các khu vực hạn chế ở thủ đô Seoul.
Trước đó, vào tháng 6 năm 2018, Hàn Quốc đã hoàn thành một quy trình đấu thầu, thông qua đó họ đã trao phổ tần ở cả hai băng tần 3,5 GHz và 28 GHz cho các nhà khai thác. Chính phủ đã cung cấp tổng cộng 280 MHz trong băng tần 3,5 GHz và 2.400 MHz trong băng tần 28 GHz, trong đó phổ tần trong băng tần 3,5 GHz được chia thành 28 khối với mỗi khối 10 MHz còn phổ tần trong băng tần 28 GHz được chia thành 24 khối, mỗi khối 100 MHz.
Các nhà khai thác tham gia như SK Telecom, KT và LG Uplus chỉ được nhận giới hạn 10 khối cho mỗi băng tần. Các công ty viễn thông đã trả tổng cộng 3,6183 nghìn tỷ Won (3,3 tỷ USD) cho phổ tần, cao hơn 340 tỷ Won so với giá khởi điểm 3,3 nghìn tỷ Won. Giấy phép băng tần 3,5 GHz có thời hạn 10 năm và băng tần 28 GHz có thời hạn 5 năm.
Vào cuối năm ngoái, chính quyền Hàn Quốc đã công bố kế hoạch tăng gần gấp đôi phân bổ phổ tần 5G cho các nhà khai thác di động vào cuối năm 2026, tạo thêm 2.640 MHz phổ tần. Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc cho biết: Họ đặt mục tiêu cho Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về tính khả dụng của phổ tần, với mục tiêu là 5.320 MHz.
Chính phủ Hàn Quốc đã không cung cấp chi tiết cụ thể về các băng tần mới sẽ được trao cũng như khung thời gian cụ thể để phát hành phổ tần mới. Tuy nhiên, theo các nguồn tin từ ngành công nghiệp, dự kiến mỗi nhà khai thác sẽ được phân bổ thêm 300 MHz trong băng tần 3,5 GHz.